Thị trường hoa lan Tết: Hoa đẹp rực rỡ nhưng vắng khách mua Cận Tết, hàng tiêu dùng và dịch vụ... đua nhau giảm giá Thị trường nông sản chia hai nửa xanh đỏ, giá dầu thô chịu áp lực |
Không lo thiếu hàng
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đã được các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ chuẩn bị đầy đủ. Nhiều nhãn hàng thuộc ngành đồ uống, bánh kẹo, gạo... tung ra hàng loạt sản phẩm với bao bì mới mẻ, mang đậm sắc xuân.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong những tháng cuối năm, các siêu thị đã chủ động dự trữ nguồn hàng với giá cả hợp lý, đồng thời tổ chức chương trình khuyến mại kích cầu.
Người dân mua sắm Tết tại siêu thị Go!BigC |
Theo khảo sát của Báo Công Thương, một số hệ thống siêu thị như: Go!BigC, Co.opmart, BRG Mart, Hapromart, WinMart... đang áp dụng khuyến mãi hấp dẫn ở một số mặt hàng tới 50%. Tại các siêu thị đều bố trí khu vực trưng bày giỏ quà Tết bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ.
Với các nhóm hàng bánh, kẹo, mứt… hàng Việt chiếm đa số, trong đó chủ yếu là các nhãn hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hải Hà, Richy...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc chuỗi WinMart cho biết, để chuẩn bị dịp mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán, từ cách đây vài tháng, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp để thu mua, tăng sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng so với Tết năm 2023.
"Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, giảm 50% giá cho các nhóm hàng thực phẩm tươi sống để người dân có thể mua sắm đầy đủ và tiết kiệm hơn", ông Dũng cho hay.
Theo ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán năm nay, công ty dự kiến đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm là các loại mứt truyền thống, nhưng được thay đổi về mẫu mã, hình ảnh bao bì, bảo đảm tính thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng.
"Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5-12% so cùng kỳ, nhưng đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung", ông Tuấn khẳng định.
Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho người dân Thủ đô |
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Để phục vụ nhân dân trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 23/1, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 159 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm sản an toàn trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Song song với đó, hàng hóa phục vụ Tết cũng sẽ được triển khai bán hàng trên các hệ thống kênh phân phối đa phương tiện như: Điện thoại, website, ứng dụng mua hàng trực tuyến… của các hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
"Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức 30 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; tổ chức các chợ hoa xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất", ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin.
Sức mua "ấm dần"
Trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song theo nhận định của Bộ Công thương, sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Càng những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ghi nhận tại Hà Nội, người dân, du khách đến các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tăng dần, không khí mua, bán tấp nập, nhộn nhịp hơn so với ngày thường. Các chủng loại mặt hàng phục vụ Tết như: Mứt, bánh kẹo, trái cây sấy, giỏ quà Tết… được người tiêu dùng quan tâm và chọn mua nhiều hơn.
Các đồ dùng, vật dụng trang trí nhà cửa ở các gian hàng cũng "chật" khách; nhạc xuân cùng với không khí trong siêu thị tạo nên "bức tranh" mua sắm mùa cao điểm Tết.
Các gian hàng bánh, kẹo, mứt Tết luôn chật kín người mua |
Tại siêu thị Big C Thăng Long, dù vẫn đang là ngày làm việc nhưng siêu thị này đã đón rất đông khách đến mua sắm. Khu vực tập trung đông người nhất là những quầy bánh kẹo, mứt Tết và sau đó là đến các quầy rau, củ quả.
Đang lựa những món hàng vào xe đẩy, chị Ngô Thị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện siêu thị cũng đã có nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn, gia đình chị tranh thủ đi mua sắm một số hàng hóa phục vụ Tết để tránh sát ngày cận Tết quá đông.
"Vì không có thời gian đi sắm rải rác ở ngoài nên tôi vào siêu thị mua cho tiện. Rút kinh nghiệm các năm trước cận Tết mới sắm, đi siêu thị đợi cả tiếng không thanh toán được. Năm nay, tôi mua trước bánh kẹo mứt, bia nước ngọt, những sản phẩm này khô nên mua sớm để Tết khỏi phải vội vã chen chúc", chị Hoa chia sẻ.
Tại hệ thống các siêu thị Winmart, Co.opmart, Lotte Mart,… những ngày gần đây, khách mua sắm cũng chật cứng, nhất là vào buổi tối. Điều này cho thấy, sức mua các loại hàng hóa phục vụ Tết tại các siêu thị đang "ấm" dần lên trong những ngày cận Tết.