Trước đó, đêm ngày 25/1 (giờ Việt Nam), ngay sau khi FED vừa kết thúc ngày họp đầu tiên, thị trường chứng khoán nước Mỹ đã chứng kiến một phiên giảm sâu trước áp lực lạm phát tăng cao. Trước đó, FED đã phát đi tín hiệu sẽ sẵn sàng tăng lãi suất ngay sau tháng 3 và thắt chặt một số chính sách mà thời gian qua cơ quan này đang áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế khỏi tác động của đại dịch Covid-19.
Trước những lo ngại của thị trường, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 25/1. Trong đó, chỉ số Nasdaq, đại diện cho nhóm ngành công nghệ, vốn được hưởng nhiều lợi ích trong thời gian đại dịch, có mức giảm sâu nhất với gần 2,3% giá trị, chốt phiên ở 13.539 điểm. Nhà đầu tư bán ra các loại trái phiếu và cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ của FED trong thời gian qua. Có thể nói, tuần vừa qua là tuần thê thảm với các tỷ phú công nghệ. Mất tiền nhiều nhất có ông chủ Tesla Elon Musk với hơn 25 tỷ USD, sau đó là ông chủ Amazon. Trong 10 người giàu nhất thế giới, 9 người ở Mỹ đều mất hàng tỷ USD chỉ trong 1 tuần qua vì đà bán ra của thị trường.
Trên sàn giao dịch hàng hóa, vàng và dầu lại có phiên tăng điểm. Trong đó dầu tăng giá mạnh 2,3%, lên hơn 85 USD/thùng.
Trong trường hợp FED tăng lãi suất, đây sẽ là lần đầu tiên cơ quan này điều chỉnh lãi suất tính từ thời điểm ra quyết định hạ lãi suất xuống mức gần bằng 0% ngay khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020. FED đã không tăng lãi suất kể từ tháng 12/2018.
Mục tiêu lớn nhất của FED trong thời điểm này là kiềm chế tình hình lạm phát đang tăng nóng. Theo số liệu mới được công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 của Mỹ đã tăng 7%, cao nhất từ năm 1982. Hiện nay, các nhà đầu tư phố Wall đang theo dõi sát các tín hiệu để dự đoán khả năng FED sẽ tăng lãi suất bao nhiêu trong năm nay và thời điểm bắt đầu tăng lãi suất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể gây tổn hại nền kinh tế và dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn nữa trong bối cảnh thị trường chứng khoán đột nhiên trở nên nhạy cảm với các biến đổi của thị trường. Các nhà đầu tư lý giải, lãi suất cao đồng nghĩa với chi phí đi vay của các cá nhân và công ty sẽ cao hơn. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu chi tiêu của các cá nhân và tổ chức, khiến cho mức giá cả của hàng hóa càng tăng cao.
Trong buổi họp trực tuyến thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ngày 21/1 trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất có thể "dội một gáo nước lạnh" vào sự phục hồi kinh tế vốn đã yếu kém ở một số quốc gia nhất định.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ngày 21/1, bà Georgieva nói rằng việc tăng lãi suất của Mỹ có thể có tác động đáng kể đến các quốc gia có các khoản nợ tính bằng USD. Do đó, điều "cực kỳ quan trọng" là FED phải truyền đạt rõ ràng các kế hoạch chính sách của mình để ngăn chặn những sự kiện bất ngờ.
Bà Georgieva cho biết, khoảng 70% các quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh "túng quẫn" hoặc có nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần, con số này cao gấp đôi so với mức của năm 2015.
IMF dự báo sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục song không còn mạnh mẽ như trước. Do đó, bà Georgieva đề xuất các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra các giải pháp mang tính linh hoạt cho Năm Mới. Năm 2022 là năm vượt chướng ngại vật, với những rủi ro như lạm phát gia tăng, đại dịch COVID-19 và mức nợ cao.
Hồi tháng 12/2021, IMF cho hay tổng mức nợ trên thế giới trong năm 2020 đã chạm mức cao nhất trong một năm kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai là 226.000 tỷ USD.
Bà Georgieva nhấn mạnh rằng vấn đề lạm phát là vấn đề đặc thù của từng quốc gia, chính vì vậy theo một cách nào đó, yếu tố này khiến tình hình trong năm 2022 thậm chí còn khó khăn hơn năm 2020. “Trong năm 2020, chúng ta có những chính sách tương tự vì các nước trên thế giới đang chiến đấu với cùng một vấn đề đó là nền kinh tế đình trệ.” – Bà cho biết.
Giá cả đang tăng với tốc độ đáng kinh ngạc ở một số nước, trong đó lạm phát Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đạt mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, tỷ lệ lạm phát ở Anh đạt mức cao nhất 30 năm trong cùng tháng và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/1982. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE) đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.