Vinachem kiến nghị đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 0% - 5%
Mới đây nhất, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%.
Cụ thể, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các đơn vị ngành phân bón gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Riêng nhóm ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ghi nhận mức sụt giảm đáng kể: Giá trị sản xuất giảm 15,7%, doanh thu giảm 2,9%.
Sản phẩm phân bón Supe Lâm Thao |
Để có những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Vinachem đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%.
Việc giải quyết kiến nghị trên không đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp phải bỏ tiền hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, mà chỉ là điều chỉnh chính sách để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bình đẳng với phân bón nhập khẩu.
Bởi, khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế giá trị gia tăng bằng 0, nghĩa là số tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng 0 đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân.
Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%, là tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào (không làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và không tăng giá bán phân bón cho nông dân).
Cả hai trường hợp trên thì phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu.
Supe Lâm Thao: Mỗi năm thiệt hại khoảng 160 tỷ đồng vì không được khấu trừ chi phí
Chia sẻ thêm với báo chí, ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - cho biết: Mỗi năm, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) không được khấu trừ tính vào chi phí của đơn vị khoảng 160 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 năm, con số thiệt hại vào khoảng 800 tỷ đồng. Con số này phải tính vào chi phí sản xuất, chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán cho nông dân. "Như vậy, giá thành tăng lên trung bình khoảng 4%. Điều này khiến công ty càng gặp khó. Thứ nhất là không giảm giá bán được cho người nông dân, thứ hai là giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu nguyên khai trong nước như phân lân, phân đạm, phân DAP như Supe Lâm Thao. Các đơn vị nhập khẩu phân bón thường được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích xuất khẩu tại các nước xuất khẩu, thuế suất thuế GTGT hàng xuất khẩu là 0% và không chịu thuế GTGT đầu ra nên có lợi thế rất lớn cạnh tranh với phân bón sản xuất trong nước", ông Tuyến phân tích thêm.
Không chỉ gặp khó khăn do Luật số 71/2014/QH13, Supe Lâm Thao còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như nguyên liệu đầu vào tăng: giá điện từ tháng 3/2019 tăng 8,36%; giá quặng apatit từ 1/6/2019 tăng 3%; đến 1/10 tăng tiếp 8%. Như vậy trong chưa đầy 1 năm, giá quặng đã tăng hơn 10% (mới đây nhất, Công ty TNHH 1 thành viên Apatit Việt Nam sẽ bắt đầu giảm giá quặng xuống 5% bắt đầu từ 15/4, tuy nhiên vẫn tăng hơn 5% so với giá cũ). Thêm vào đó, lãi vay ngân hàng theo giá thị trường cũng tăng từ 10-12%. Năm 2018, lãi vay ngân hàng trung bình là 6,2%, năm 2019 tăng lên 7,3%. Ngoài ra, việc nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, hạn mặn kéo dài ở miền Tây, giá nông sản xuống thấp ở Tây Nguyên… khiến lượng tiêu thụ phân bón sụt giảm nghiêm trọng.
Chính vì thế, trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh này, việc xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, đưa phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế VAT chính là một trong những biện pháp cấp thiết. Hỗ trợ và vực dậy ngành phân bón – một trong những ngành hàng quan trọng phục vụ nền nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực nước nhà.