Thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 vượt ngưỡng 500.000 xe Doanh số thị trường ô tô tháng 1/2023 giảm 44% |
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 2/2023, các thành viên VAMA đạt tổng doanh số 20.560 xe, bao gồm 15.681 xe du lịch, 4.692 xe thương mại và 187 xe chuyên dụng. Trong đó riêng doanh số xe du lịch tăng 11,7% so với tháng trước.
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam công bố tổng doanh số bán hàng trong tháng 2/2023 đạt 4.993 xe (bao gồm xe Lexus), tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu thị trường xe du lịch.
Doanh số toàn quốc của các mẫu xe Toyota đạt 4.887 xe, trong đó có 2.714 xe nhập khẩu nguyên chiếc và 2.173 xe lắp ráp trong nước. Mẫu xe Corolla Cross, Veloz Cross và Vios nằm trong Top 10 các mẫu xe bán chạy nhất thị trường với doanh số lần lượt đạt 1.085 xe, 911 xe và 870 xe.
Thị trường ô tô tháng 2 có dấu hiệu khởi sắc |
Trong tháng 2/2023, Lexus đã mang đến trải nghiệm mới cho 106 khách hàng với tổng doanh số tích lũy kể từ khi thương hiệu được giới thiệu tại Việt Nam đạt 10.600 xe.
Vừa qua, Công ty Honda Việt Nam (HVN) thông báo doanh số bán lẻ mảng kinh doanh ô tô trong tháng 2/2023 đạt 1.385 xe, giảm 7,3% so với tháng trước, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Honda City và Honda CR-V tiếp tục là hai mẫu xe bán chạy nhất của Honda Việt Nam với 1.235 xe bán ra, chiếm 89,2% tổng sản lượng bán ô tô của HVN trong tháng 2/2023.
Cùng với đó, doanh số bán hàng của Tập đoàn Thành Công (TC Group) trong tháng 2 cũng phục hồi mạnh so với tháng đầu năm. Theo đó, doanh số của TC Group trong tháng 2 đạt 5.467 xe Hyundai các loại, tăng 56,38% so với tháng trước.
So với tháng trước, sức cầu của thị trường đã tăng, tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cho biết, hiện nay hàng tồn kho vẫn tăng cao. Để kích cầu mua xe mới của người dân, trong tháng 3 này nhiều hãng xe và đại lý tiếp tục tung ra những ưu đãi, giảm giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng ở nhiều mẫu xe.
Bên cạnh đó, năm 2023, thị trường ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung được dự báo vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng, các giải pháp kích cầu là cần thiết và biện pháp hiệu quả nhất lúc này theo các nhà kinh doanh, nhờ lực đẩy từ chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trước đó, thị trường ô tô đã vượt mốc 500.000 xe và thoát khỏi mác "thị trường nhỏ", chính sách này cũng đã giúp lượng xe sản xuất trong nước giai đoạn 2 quý cuối năm 2020 tăng đều qua các tháng.
Theo VAMA, các hãng đang điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi với người mua để tái cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng đơn vị, sẽ không đủ để tạo sức bật giúp thị trường xe trong nước tăng trưởng bền vững.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất ô tô trong nước, mới đây VAMA, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm nay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Trong Nghị quyết, một trong các nội dung quan trọng là Chính phủ yêu cầu việc tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu. Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023. |