Thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/12 tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn diễn biến trái chiều, với giá ngô và đậu tương tăng, trong khi giá lúa mỳ giảm.
Người nông dân thu hoạch ngô tại trang trại Hodgen, bang Indiana (Mỹ). Ảnh: Reuters |
Hợp đồng ngô giao tháng 3/2021 được giao dịch nhiều nhất tăng 3,75 xu, hay 0,84%, lên 4,51 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ giảm 2,75 xu, hay 0,44%, xuống 6,27 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng Ba tăng 4,5 xu, hay 0,36%, lên 12,645 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource nhận định giá đậu tương tăng trước yêu cầu phải hạn chế nhu cầu với đậu tương của Mỹ khi nhu cầu cao còn nguồn cung hạn chế, trong khi giá lúa mỳ giảm trong phiên giao dịch trước Giáng Sinh.
Khối lượng giao dịch giảm trước ngày nghỉ lễ và trong thời điểm sắp hết năm. Chỉ còn bốn phiên giao dịch trước khi khép lại năm 2020 và các nhà quản lý quỹ không sẵn sàng mạo hiểm và cũng không có lý do để bán ra.
Nhu cầu ngô của Mỹ có thể sẽ tăng mạnh vào tháng 1/2021, nhờ nhu cầu của Trung Quốc. AgResource cho rằng nhu cầu mạnh lên sẽ đẩy giá ngô và đậu tương kỳ hạn tại CBOT tăng.
AgResource dự báo xu hướng giá cả tại CBOT sẽ tiếp tục đi lên.
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo Thái Lan tuần qua chạm mức cao nhất trong hơn sáu tháng và giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao trong chín năm, mặc dù các nhà giao dịch tại Hà Nội nhận định việc nhập gạo từ Campuchia sẽ làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 516-520 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11/6, so với 500-519 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng nguồn cung giảm đã hỗ trợ giá gạo. Nhu cầu vẫn thấp, song thị trường nhận định nhu cầu mua sẽ đến từ Nhật Bản trong những tuần tới.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không thay đổi so với tuần trước đó, ở mức 500 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2011.
Các nhà giao dịch cho rằng tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 6-6,2 triệu tấn, thấp hơn mục tiêu 6,5 triệu tấn được đề ra trước đó.
Một nhà giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hoạt động giao dịch vẫn chậm khi nguồn cung trong nước thấp, nhưng việc nhập gạo từ Campuchia có thể làm dịu bớt tình trạng thiếu hụt. Nhu cầu được cho là sẽ tăng trong những ngày tới và tình hình xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ khả quan trong năm 2021, với nhu cầu khá cao từ Philippines.
Thị trường cà phê châu Á
Các thị trường xuất khẩu cà phê châu Á trầm lắng trong tuần này, khi chỉ một số ít thỏa thuận đạt được trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới, trong khi giá cà phê tại Việt Nam tăng trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Người trồng cà phê tại Tây Nguyên, vùng trồng chính của Việt Nam, bán được cà phê với giá 34.000 đồng (1,47 USD)/kg, tăng nhẹ so với mức 33.000-33.400 đồng của tuần trước.
Theo một nhà giao dịch tai Tây Nguyên, thời tiết tuần này nhiều mây và ẩm rất bất lợi cho việc thu hoạch. Trong khi đó, một nhà giao dịch khác tại thành phố Hồ Chí Minh nói hoạt động giao dịch đã bước vào thời gian thấp điểm của năm, khi nhiều nhà nhập khẩu và các ngân hàng nước ngoài nghỉ lễ. Giá cà phê robusta giảm 1 USD, hay 0,07%, xuống 1.378 USD/tấn trong phiên 23/12.