Nhìn lại diễn biến thị trường ngoại hối thời gian qua, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, sau một thời gian dài duy trì khá ổn định và ít biến động, kể từ giữa tháng 8, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng, tính đến 26/10, được niêm yết ở mức 22.030 VND/USD, tăng khoảng 0,6% so với đầu năm.
Tuy nhiên tỷ giá ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức tiếp tục duy trì và giữ vững sự ổn định. Tỷ giá bán tại nhiều Ngân hàng Thương mại hiện phổ biến vào khoảng 22.330 – 22.350 VND/USD.
Đặc biệt, chỉ số CDS có xu hướng giảm nhẹ và tỷ giá kỳ hạn NDF không có nhiều thay đổi so với tháng trước cho thấy kỳ vọng vào tỷ giá hiện đang khá ổn định.
Sở dĩ như vậy, theo Ủy ban là do mấy nguyên nhân sau. Thứ nhất, một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ (CNY) và Bảng Anh (GBP).
Thứ hai, động thái đón trước nhu cầu ngoại tệ có thể tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12. Cụ thể, cầu ngoại tệ đã có dấu hiệu nóng hơn.
Điều đó thể hiện trên 2 giác độ: (i) kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước và bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 9; (ii) tín dụng ngoại tệ đang tăng lên rõ rệt. Tính đến 30/9/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm % so với tháng trước.
Tuy nhiên, theo Ủy ban, với nguồn cung ngoại tệ hiện đang khá dồi dào (cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá), trong khi đó các quốc gia tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ, cũng như định hướng thận trọng trong các chính sách của FED, “thị trường ngoại hối không có áp lực trong các tháng cuối năm”.