Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 9 tháng đầu năm đạt 21,23 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng vốn FDI đăng ký giảm mạnh chủ yếu do vốn đăng ký theo hình thức M&A chỉ đạt 5,7 tỷ USD, giảm 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
M&A trong ngành bán lẻ diễn ra sôi động |
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân lớn nhất khiến dòng vốn FDI qua hình thức M&A chững lại là xu hướng chung của thế giới khiến vốn đầu tư ra nước ngoài giảm đi rất nhiều; các công ty, tập đoàn lớn đều quay trở lại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, giai đoạn trước đây Việt Nam đã có nhiều thương vụ quy mô lớn, đẩy số liệu lên cao. Khi dòng vốn này chững lại khiến giá trị sụt giảm cũng lớn.
Bên cạnh đó, việc dịch chuyển bị gián đoạn bởi các biện pháp giãn cách, cách ly với người nhập cảnh... tất cả các cuộc đối thoại, trao đổi đều bị dời lại, hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến. Trong các giao dịch M&A rất khó thực hiện nếu không có các cuộc gặp gỡ trực tiếp. Đồng tình với quan điểm trên, ông Choi Dong Chul - đại diện Hàn Quốc tại Vietrade - chia sẻ: "Vừa hoàn tất việc tư vấn cho một thương vụ hồi năm ngoái, nếu không có Covid-19, có lẽ tôi đã hoàn thành thêm 1 - 2 thương vụ nữa tính tới thời điểm hiện tại".
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng: Một lượng khá lớn doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa (CPH) trong kế hoạch 3 năm (từ 2017 - 2020), nhưng đến quý III/2020 mới chỉ CPH được 28%. Không hoàn thành kế hoạch CPH là không có hàng hóa để M&A.
Triển vọng sáng
Theo dữ liệu của Recof Corporation - đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ năm 2014, 10 năm qua Việt Nam luôn nằm trong top 3 những điểm đến M&A hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á của các nhà đầu tư Nhật Bản xét theo số lượng giao dịch.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, rất có thể khi dịch Covid-19 đi qua sẽ có một đợt "sóng" mới trong M&A vào Việt Nam, và có cả một đợt dịch chuyển lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam khi các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất của họ ở nhiều quốc gia khác nhau. Kỳ vọng này được đưa ra trong bối cảnh, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn được dự báo có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, trong khi các nước Đông Nam Á khác có mức tăng trưởng âm. Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách để thu hút đầu tư và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, nhìn trong dài hạn, các công ty tư vấn nước ngoài vẫn đánh giá thị trường Việt Nam rất triển vọng để tiến hành hoạt động M&A. Cụ thể, một số nhóm ngành, lĩnh vực dự báo sẽ tăng đột biến sau khi dịch qua đi, gồm: Các ngành tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, giáo dục trực tuyến, hội nghị trực tuyến… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 và làn sóng dịch chuyển FDI đang diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh tăng cường các chính sách, giải pháp thu hút FDI thông qua hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng tiếp cận, thực hiện đầu tư vào Việt Nam qua nhiều hình thức, trong đó có hình thức M&A.
9 tháng đầu năm, vốn M&A đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 26,6% giá trị góp vốn; hoạt động sản xuất, kinh doanh bất động sản đạt gần 1,5 tỷ USD, chiếm 26,1%; các ngành còn lại 2,7 tỷ USD, chiếm 47,3%. |