Giá dầu hôm nay 6/5: Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, dầu thô tăng mạnh lên 108,26 USD/thùng Cú sốc giá dầu ăn khiến thị trường toàn cầu hoang mang |
Giá dầu thô tăng hai tuần liên tiếp
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường dầu thô chứng kiến sự tăng giá 2 tuần liên tiếp khi lo ngại về nguồn cung sụt giảm lấn át các lo ngại về nhu cầu sụt giảm từ phía Trung Quốc.
Việc các nước thuộc Liên minh châu Âu EU đề xuất cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có thể tạo ra sự thiếu hụt lớn trên thị trường, theo đánh giá của Trung tâm Tin tức Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam. Chỉ vài tháng trước, EU vẫn còn nhập khẩu trên 3 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, và sẽ khó có thể tìm được nguồn thay thế.
Mặc dù có một số nước trong EU như Hungary, Slovakia và Czech đang tìm kiếm phương án miễn trừ khỏi chính sách chung này, tuy nhiên lượng tiêu thụ dầu của các nước này vốn không lớn và vẫn sẽ không thay đổi tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Mặt khác, theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+, sản lượng của nhóm thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với kế hoạch trong tháng 4/2022 và khối lượng này tương đương với 1,5% tổng nguồn cung toàn cầu. Mặc dù nhóm hiện vẫn chỉ duy trì chính sách tăng sản lượng ở mức tương đối thấp là 432.000 thùng/ngày trong các tháng tới.
Nguyên nhân chủ yếu là do các nước như Angola và Nigeria thấp hơn đến 700.000 thùng, dưới sự khó khăn trong vấn đề đầu tư và bất ổn xã hội tại các quốc gia châu Phi này. Điều này có khả năng sẽ khiến các nước châu Âu phải cạnh tranh tăng giá thu mua trên thị trường quốc tế để đảm bảo nguồn cung.
Số giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần vừa rồi cũng chỉ tăng 5 chiếc lên 557. Số lượng giàn khoan báo hiệu về sản lượng dầu trong tương lai. Mức tăng mang tính “nhỏ giọt” trong các tháng gần đây, bất chấp dầu duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, báo hiệu khó khăn của quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới trong việc tăng sản lượng.
Tuy vậy, giá có thể gặp áp lực trong tuần mới, trước thông tin các đặc phái viên EU đang nỗ lực để “hồi sinh” các thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhằm đem nguồn cung dầu của nước này quay trở lại thị trường. Nếu thuận lợi, Iran có thể giúp tăng nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày trong khoảng vài tháng.
Tuần này giới đầu tư cũng sẽ chờ đón 3 báo cáo tháng quan trọng của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ EIA, Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC để có thêm nhận định về tình hình thị trường trong thời gian tới, giữa một loạt các yếu tố giằng co trên thị trường.
Thị trường kim loại chịu sức ép lớn
Phần lớn các mặt hàng kim loại quý hiện đang chịu sức ép đến từ đồng USD, nhất là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tiến trình tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán trong cuộc họp tháng 5 vừa qua. Việc Fed có các động thái rõ ràng để kìm hãm lạm phát đã làm cho vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý suy yếu trước đồng bạc xanh và khiến cho sức ép bán đối với các mặt hàng đều tăng.
Triển vọng trong thời gian tới của nhóm kim loại quý cũng trở nên khá tiêu cực bởi nếu xét tới vai trò đầu tư, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ngày một tăng đang trở nên hấp dẫn hơn so với việc nắm giữ tài sản không sinh lời như bạc hay bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng đóng cửa trong sắc đỏ tuần thứ 3 liên tiếp và giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá quặng sắt cũng lao dốc hơn 6% về dưới 140 USD/tấn. Cả hai mặt hàng đều chịu sức ép rất lớn từ cả các tin tức tiêu cực của Mỹ và Trung Quốc. Hiện các hoạt động sản xuất công nghiệp ở nhà tiêu thụ số một thế giới đều đang bị đình trệ, khiến cho nhu cầu tiêu thụ đồng và quặng sắt giảm mạnh.
Mức tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải hiện đã giảm về dưới 20.000 tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Đáng chú ý, Trung Quốc thường tích luỹ đồng vào giai đoạn đầu năm, nhưng điều này không diễn ra trong năm nay, cho thấy nhu cầu tiêu thụ khó có thể phục hồi mạnh mẽ trong phần còn lại của năm. Việc Bắc Kinh vẫn chưa có động thái rõ ràng để hỗ trợ nền kinh tế ngoài các cam kết bằng lời nói cũng khiến cho sức mua chưa quay lại với cả thị trường đồng và quặng sắt.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng kim loại cơ bản cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực đến từ việc đồng USD tăng giá, khiến cho chi phí nắm giữ cũng như đầu tư cao hơn. Nhu cầu tiêu thụ ở khu vực châu Mỹ và châu Âu cũng đang có nguy cơ giảm do tình hình lạm phát cản trở tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada hay khối Liên minh châu Âu.