Dòng tiền hướng tới các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo chiến lược tháng 4/2022 vừa được VDSC đưa ra, trong tháng 4/2022, dòng tiền trên thị trường sẽ luân chuyển vào các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh năm 2022 hoặc có yếu tố câu chuyện riêng (ví dụ như phát hành cổ phiếu).
Theo phân tích của VDSC, thanh khoản thị trường xoay quanh mức 20.000 - 28.000 tỷ đồng/phiên và dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ xoay quanh các nhóm ngành trong quý I/2022 dẫn đến việc chỉ số VN-Index không có xu hướng rõ ràng trong 3 tháng đầu tiên của năm 2022. Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục và dòng tiền sẽ tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng cao và yếu tố cơ bản tốt trong năm 2022.
Cụ thể, ở nhóm ngân hàng chịu áp lực bán trong tháng 3 khi căng thẳng chính trị leo thang cùng với tâm lý tiêu cực ở các ngân hàng là chủ nợ lớn của FLC như STB, OCB,...
Tuy nhiên, VDSC vẫn tin tưởng triển vọng lạc quan với nhóm này khi mức tăng trưởng dự phòng năm 2022F ở mức trên 30%. Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ của VPB (15% cổ phần) với SMBC trong thời gian tới cũng là câu chuyện thú vị để tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
“Mặc dù chịu áp lực bán ra trong hai tháng qua nhưng chúng tôi đã thấy sự đảo chiều của dòng vốn ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tháng 3 khi họ mua ròng 692 tỷ đồng so với việc bán ròng 110 tỷ đồng trong tháng 2”, báo cáo cho biết.
Với nhóm cổ phiếu thép bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý II và quý III/2022 do đã chốt giá thấp cho một lượng lớn nguyên liệu HRC và triển vọng giá xuất khẩu tốt trong những tháng tới.
Ở nhóm xuất khẩu, đặc biệt nhóm thủy sản, việc xuất khẩu cá tra sẽ ghi nhận mức phục hồi mạnh năm 2022 do được hỗ trợ bởi nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga; giá bán cao duy trì đến ít nhất hết quý II/2022 do giá nguyên liệu tăng và thủy sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng, đẩy tiêu thụ cá tra tăng. Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng mạnh ba chữ số trên mức nền thấp so với cùng kỳ trong quý I/2022.
Đối với nhóm dầu khí, VDSC duy trì quan điểm thận trọng trước sự hạ nhiệt nhanh chóng của giá dầu từ mức 120 USD/thùng cùng với nỗ lực kiểm soát giá dầu của Chính phủ Việt Nam bằng cách giảm thuế bảo vệ môi trường.
Lực đẩy từ mùa đại hội cổ đông và báo cáo kết quả kinh doanh
Hiện tại, dòng tiền dồi dào dẫn dắt bởi nhóm nhà đầu tư F0 đã làm định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các cổ phiếu này nhanh chóng đối mặt với áp lực chốt lời khi hoạt động kinh doanh tiếp tục yếu kém như đã xảy ra trong quý IV/2021. Do đó, những cổ phiếu thuộc nhóm này với triển vọng cơ bản không có nhiều chuyển biến sau mùa đại hội cổ đông. Hơn nữa, việc cơ quan chức năng bắt đầu mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và xử lý các trường hợp thao túng giá cổ phiếu cũng sẽ tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư với các nhóm cổ phiếu nhỏ.
Theo VDSC, trong tuần cuối cùng của tháng 3, dòng vốn chảy mạnh vào VN Diamond ETF, đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, MWG, PNJ, kéo theo đó là hiệu suất vượt trội tương ứng của các chỉ số nhóm ngành công nghệ thông tin, tiêu dùng. Điều này cho thấy bên cạnh thanh khoản tốt, tâm lý thị trường cũng đã phục hồi vào cuối tháng 3 và thị trường đã bắt đầu phản ánh kết quả kinh doanh quý I/2022 cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Do đó, đối với triển vọng ngắn hạn, thị trường sẽ giữ được đà tăng vững chắc khi có thông tin trong mùa đại hội cổ đông 2022 và kết quả kinh doanh quý I/2022 dần được công bố. Tuy vậy vẫn có lo ngại về khả năng điều chỉnh ở các nhóm cổ phiếu nhỏ, thiếu các yếu tố cơ bản tốt sau mùa đại hội cổ đông và sự dè chừng của nhà đầu tư cho nhóm cổ phiếu này sau những hành động gần đây của cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành động thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nhìn chung, VDSC dự đoán chỉ số VN Index sẽ dao động trong khoảng 1.480 - 1.570.