Thị trường chứng khoán Việt Nam sáng 21/4 theo xu hướng giảm chung với các thị trường thế giới do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu lần đầu tiên xuống vùng giá âm.
Mở cửa phiên giao dịch, các chỉ số giảm mạnh với sắc đỏ lan rộng ra toàn bộ các nhóm ngành. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu dầu khí có mức giảm rất mạnh.
Tại thời điểm 9 giờ 28 phút, VN-Index giảm hơn 12 điểm xuống 782,96 điểm. Toàn sàn có 47 mã tăng giá, trong khi có tới 244 mã giảm giá và 35 mã đứng giá.
HNX-Index cũng giảm tới 2,47 điểm xuống 107,21 điểm. Toàn sàn có 17 mã tăng giá, 69 mã giảm giá và 32 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí bị ảnh hưởng “nặng nề” từ giá dầu thế giới giảm.
Trong nhóm này, không còn mã cổ phiếu dầu khí nào tăng giá. Cụ thể, PVB, PVC, PVD, PVS, POW, PLX, GAS, BSR... đều có mức giảm giá rất sâu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ. Các mã lớn đều ở chiều giảm giá như: VCB, BID, ACB, CTG, MBB, TCB, STB, VPB....
Các cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm VN30 cũng đồng loạt giảm giá. Trong nhóm VN30 chỉ còn duy nhất SAB ở chiều tăng giá, với mức tăng tới 6,8%, 29 mã cổ phiếu còn lại đều ở chiều giảm giá.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 20/4, khi giá dầu lần đầu tiên rơi xuống vùng âm trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chỉ số Dow Jones giảm 592,05 điểm, hay 2,44%, chốt phiên ở mức 23.650,44 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 51,4 điểm, hay 1,79%, xuống 2.823,16 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 89,41 điểm, hay 1,03%, xuống 8.560,73 điểm.
Trong 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500, chỉ số năng lượng giảm 3,7% trong phiên này và từ đầu năm đến nay đã giảm 45%, mức giảm mạnh nhất.
Hợp đồng dầu West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng Năm giảm 307,44%, xuống mức -37,9 USD/thùng, lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch ở mức âm.
Thông tin về việc giá dầu WTI rơi xuống vùng âm lần đầu tiên trong lịch sử đang có tác động mạnh lên thị trường tài chính-tiền tệ.
Theo các chuyên gia phân tích, dầu Brent được vận chuyển bằng đường biển nhiều hơn dầu WTI, vốn thường được vận chuyển thông qua đường ống dẫn, bởi vậy giá dầu này phần nào ít chịu tác động ngay lập tức bởi những lo ngại về lượng dự trữ dồi dào.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, nhận định diễn biến của thị trường năng lượng hiện nay là điều “khó tin,” việc đóng cửa hoặc thậm chí phá sản bây giờ có thể còn đỡ thiệt hại hơn đối với một số nhà khai thác khi hàng tỷ người trên khắp thế giới ở nhà do dịch, nhu cầu dầu đã giảm sút mạnh.
Theo người phụ trách chiến lược thu nhập cố định của WisdomTree Asset Management tại New York, Kevin Flanagan, nhu cầu dầu sẽ không sớm tăng trở lại và đang có tình trạng dư cung.
Giá dầu giảm có thể thúc đẩy nền kinh tế khi khuyến khích tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn, nhưng điều này đòi hỏi người dân phải ra ngoài.