10 địa phương dự báo sẽ phát triển mạnh bất động sản công nghiệpBất động sản công nghiệp trong cuộc đua thu hút đầu tư |
Tại Diễn đàn với chủ đề “Doanh nghiệp Bất động sản – hành động và thích ứng trong điều kiện mới” do Báo Xây dựng phối hợp tổ chức gần đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường bất động sản đang trong tiến trình phục hồi. Về thị trường bất động sản năm 2023, ông Châu cho rằng đây là năm khó khăn bậc khi cả năm 2023 tăng trưởng âm 6,38% so với cùng kỳ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Thị trường bất động sản 2024: Doanh nghiệp kỳ vọng. Ảnh KTSCO |
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Tập đoàn An Gia cũng cho hay, năm 2024, với những dấu hiệu phục hồi của thị trường cùng các chính sách tháo gỡ vướng mắc cho ngành bất động sản là cơ hội để doanh nghiệp “tăng tốc” đón chu kỳ tăng trưởng mới.
Cụ thể, trong năm 2024, Tập đoàn An Gia đặt mục tiêu hoàn thành bàn giao hơn 2.000 sản phẩm tại dự án Westgate. Triển khai kế hoạch kinh doanh các sản phẩm còn lại tại dự án The Standard và ra mắt dự án The Gió Riverside tại Bình Dương. Tích cực mở rộng các quỹ đất sạch, đầy đủ pháp lý, thời gian triển khai nhanh, phù hợp các dự án như: Westgate 2… Tăng cường đầu tư hợp tác với các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài nhằm đa dạng nguồn vốn phát triển dự án.
Đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình bày tỏ, doanhn nghiệp giảm tải nhiều áp lực khi các Luật được sửa đổi
Tuy nhiên, ông Hải cũng trăn trở những nỗi lo của doanh nghiệp hiện nay về các khoản nợ đến hạn trả của ngân hàng. Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đang còn triển khai rất chậm. Trong đó, nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến luật cần tháo gỡ thì mới thúc đẩy nhanh được.
Do vậy, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đề xuất cần thu tiền sử dụng đất bình thường, thu tiền trước rồi trả tiền sau đối với những trường hợp đủ điều kiện. Các nhà đầu tư triển khai quy định cung cầu của thị trường.
Dự báo tình hình bất động sản năm 2024 ông Hải nhận định, bất động sản đô thị có thể phục hồi, bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng riêng bất động sản nghỉ dưỡng chưa tiêu thụ, khai thác được và cần một vài năm nữa mới phục hồi.
Chia sẻ niềm vui với ngành bất động sản, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, đồng tình, thị trường bất động đã qua thời kỳ khó khăn nhất.
Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực cũng đã đưa ra một số kiến nghị với các cơ quan quản lý nhằm “khơi thông” cho ngành bất động sản trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Cụ thể, đối với các phân khúc còn thiếu nguồn cung, để tiếp cận, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiếm soát rủi ro (từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 - 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng Ngân hàng). Ngoài ra cần quan tâm kiểm soát rủi ro tài chính – bất động sản; chú trọng điều tiết cung - cầu bất động sản, giá cả.
Bên cạnh đó, cần sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua; thực hiện tốt các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư... Đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hoàn thiện thế chế theo hướng: ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng...; sửa đổi phù hợp Nghị định 65 (2022) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ngoài ra, cần quy định phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp; có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt như Quỹ tiết kiệm nhà ở/quỹ phát triến nhà ở xã hội; có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp; thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch bất động sản.