Thời gian qua, ngành bán lẻ dưới tác động của dịch bệnh đã chứng kiến nhiều cửa hàng và các nhà bán lẻ lớn buộc phải đóng cửa, đặc biệt là đối với các mặt hàng có mức độ nhạy cảm về giá cao. Một số thương hiệu bán lẻ do không thể thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới đã dẫn tới việc bị đào thải khỏi thị trường. Tuy vậy, vẫn tồn tại ngành hàng hoạt động tốt với lượng khách hàng tới cửa hàng khả quan, thậm chí những doanh nghiệp này còn có xu hướng mở rộng các cửa hàng tại Việt Nam.
Giám đốc Savills Hà Nội - Matthew Powell cho biết: “Đối với ngành hàng xa xỉ, sự nhạy cảm về giá của người mua là khá thấp. Thương hiệu vẫn có thể tăng giá 10 - 20% mà vẫn có khách hàng muốn sở hữu. Việc tăng giá sản phẩm của các thương hiệu xa xỉ thường không ảnh hưởng trực tiếp lên quyết định mua hàng bởi khách hàng của họ sẵn sàng và luôn có khả năng mua”.
Việt Nam đang nắm trong tay "cơ hội vàng" chuẩn bị đón chờ làn sóng đầu tư FDI và bán lẻ có sức hút trước làn sóng đầu tư sắp tới. |
Cũng theo phân tích của Giám đốc Savills, khách hàng trong ngành xa xỉ có quá trình quyết định mua sắm khác biệt, coi trọng tương tác trực tiếp giữa khách hàng và thương hiệu. Họ muốn đến cửa hàng, trao đổi cùng nhân viên tại đó và trực tiếp trải nghiệm sản phẩm cũng như những dịch vụ mà thương hiệu cung cấp. Đáng chú ý, các nhãn hàng xa xỉ thường lựa chọn mặt bằng kinh doanh là các vị trí đắc địa và trung tâm tại các đô thị lớn. Ví dụ như địa điểm mới của Dior và Louis Vuitton tại dự án International Centre trên phố Tràng Tiền ở trung tâm Hà Nội. Những vị trí này thường khá bắt mắt, phù hợp với hình ảnh cao cấp của thương hiệu.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều nhà bán lẻ đang chuyển hướng, áp dụng thương mại điện tử và các giải pháp công nghệ để giải quyết các nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp: Tiếp cận và giao tiếp với khách hàng, quản lý kho vận và thậm chí là hỗ trợ các hoạt động truyền thông. Trong khi đó, các thương hiệu cao cấp lại tập trung chủ yếu vào phát triển và duy trì hình ảnh, thể hiện qua chất lượng và giá trị trọn đời của sản phẩm.
Thêm vào đó, việc thu nhập bình quân của Việt Nam những năm vừa qua đã tăng rõ rệt, đi kèm với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu, đã mở rộng thêm thị trường mục tiêu của các hãng. Do đó, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp bán lẻ cao cấp cần suy nghĩ về việc đổi mới chiến lược, về cách mà họ tiếp cận người tiêu dùng mới. Điểm cần lưu ý của ngành hàng xa xỉ là các nhãn hàng có thể trở nên quá truyền thống hoặc quá giống một sản phẩm thế hệ cũ. Họ cần liên tục xem xét cách tiếp cận các thị trường mục tiêu, có thể là tới đối tượng khách hàng trẻ hơn và xây dựng mối quan hệ lâu dài với những khách hàng đó.
Thu hút nhà đầu tư ngoại
Thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở thành thị trường bán lẻ đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong 10 năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định, đang trên đà tăng trưởng và hội nhập với độ mở kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh nên được coi là điểm sáng đầu tư tại khu vực ASEAN và châu Á cũng như điểm đến thu hút của cuộc dịch chuyển thị trường đầu tư. Vì thế, theo giới phân tích, Việt Nam đang nắm trong tay "cơ hội vàng" chuẩn bị đón chờ làn sóng đầu tư FDI và bán lẻ không nằm ngoại lệ trước làn sóng đầu tư sắp tới.
Với dự báo là thị trường sôi động nhất thế giới, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút được làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI). Thống kê cho thấy trong quý I/2021, trong số 66 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới tại Hà Nội, có 5 dự án trung tâm mua sắm và siêu thị, với số vốn đầu tư 13,48 triệu USD, tương đương 27% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tại Thủ đô. Cả 5 dự án đều được phát triển bởi những nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, sẵn sàng hoạt động dài hạn tại Việt Nam.
Nhìn chung, chúng ta có thể dễ thấy sự phát triển đi lên của thị trường bán lẻ Việt Nam, lấy ví dụ có các cửa hàng Uniqlo, Zara lần lượt gia nhập thị trường. Những thương hiệu thời trang này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng tại các phân khúc khác nhau. Một cửa hàng Uniqlo có thể rộng trên 5,000 m2 và đáp ứng đầy đủ các loại thời trang từ trẻ em đến người lớn, nam và nữ. Các nhà bán lẻ dạng này đang hoạt động rất tốt ở Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính vào năm 2030, tầng lớp trung lưu tại khu vực này sẽ tăng thêm 1,5 tỷ người, chiếm 66% số người thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu. Các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines và Việt Nam sẽ sở hữu hàng triệu công dân có khả năng tài chính và nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ.
Về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, đại diện Savills cho biết, Việt Nam hiện có chỉ số kinh tế vĩ mô hứa hẹn như tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa mạnh mẽ, tăng trưởng chi tiêu đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh. Các hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam với các đối tác sẽ hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhất tại khu vực, điều này đã thúc đẩy các công ty toàn cầu đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường thương mại điện tử trong nước.