Giao lưu trực tuyến “Thí sinh đặc cách tốt nghiệp: Rộng mở cánh cửa xét tuyển đại học” |
6 tuần để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng
Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức vào tháng 7/2022. Điểm đáng lưu ý, năm nay, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau ngày kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng bằng phương thức trực tuyến tại Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, trong khoảng thời gian 6 tuần.
Đối với một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, thí sinh phải thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển cho cơ sở đào tạo nếu có yêu cầu (thực hiện theo quy trình của trường), đồng thời thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên Cổng thông tin của GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau ngày kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Các thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng cần gửi hồ sơ xét tuyển thẳng về cơ sở đào tạo trước ngày 10/7/2022. Các cơ sở đào tạo sẽ gửi kết quả xét tuyển thẳng và thông báo nhập học đến thí sinh sau ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 3 ngày.
Danh sách thí sinh tuyển thẳng nhập học phải được cập nhật sau ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 5 ngày.
Đối với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố sau ngày công bố kết quả thi THPT 3 ngày.
Điều chỉnh có lợi cho thí sinh
Chia sẻ về thông tin, chính sách chung của Bộ GD&ĐT trong quy chế thi THPT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2022 không sửa quy chế thi THPT; nội dung thi, đề thi mẫu như năm 2021.
Theo bà Thủy, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ nay đến ngày tổ chức thi, Bộ GD&ĐT sẽ tham vấn các đơn vị chức năng, địa phương để quyết định thời gian, số lần tổ chức thi THPT đảm bảo thuận lợi, tính công bằng khi thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Như năm 2021, nội dung thi nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12. Đề thi mẫu có thể áp dụng, vận dụng như năm vừa rồi.
Bên cạnh đó, về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bà Thủy nhấn mạnh: "Điều đầu tiên khẳng định quy chế tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như các năm trước; nếu có điều chỉnh thì để nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập như điều chỉnh trong khâu kỹ thuật của công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng và cập nhật các quy định của luật, pháp lệnh của Quốc hội, quy định của Thủ tướng Chính phủ..."
Tiếp đến, tổ chức triển khai công tác đăng ký trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, do đó việc đăng ký xét tuyển của thí sinh đối với các phương án xét tuyển chủ yếu theo hình thức trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt vẫn đăng ký trên giấy, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của công tác tuyển sinh.
Thứ ba, dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ một lần. Một lần ở đây không phải là đăng ký rồi thì không thay đổi mà là thực hiện đăng ký xét tuyển chỉ trong khoảng thời gian quy định, ví dụ 3-4 tuần sau khi thí sinh đã cân nhắc tất cả các lựa chọn. Khoảng thời gian này đủ cho các em lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng về các nguyện vọng đăng ký tuyển sinh của mình.
Thứ tư, các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường khác nhau ở các phương thức tuyển sinh khác nhau sẽ được xếp thứ tự ưu tiên của thí sinh từ 1 đến hết. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng được ưu tiên nhất, mong muốn nhất được trúng tuyển của thí sinh (có xem xét đến năng lực của mình).
Cuối cùng, cũng như năm 2021, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất đã đăng ký theo nguyên tắc: Tất cả các nguyện vọng của thí sinh theo các phương án tuyển sinh của cơ sở đào tạo sẽ được lọc ảo chung trên hệ thống.
Theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng, áp dụng có lộ trình tạo thuận lợi cho các trường, thí sinh trong việc xác định ưu tiên, vận dụng chính sách ưu tiên.
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT rà soát kết quả học tập của thí sinh ở cấp trung học phổ thông (học bạ điện tử) để cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, nhằm phục vụ công tác xét tuyển vào đại học, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường, nhất là đối với thí sinh có sử dụng kết quả học tập để xét tuyển.