Thí điểm “hộ chiếu vaccine”: Kỳ vọng "phá băng" du lịch
Kiểm soát chặt phòng chống dịch
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch như Phú Quốc, Kiên Giang. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.
Kế hoạch thí điểm "hộ chiếu vaccine" đang được nghiên cứu, tính toán thận trọng |
Về phía Bộ VH-TT&DL, được biết, hiện cơ quan này đang gấp rút nghiên cứu, chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng “hộ chiếu vaccine” tạo điều kiện đón khách đồng thời dễ dàng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Theo kiến nghị của Bộ VH-TT&DL, để thí điểm hộ chiếu vaccine thành công, cần sự phối hợp của Bộ Y tế trong việc xây dựng bộ công cụ để kiểm soát tất cả các du khách nhập cảnh. Cụ thể, khách đến Việt Nam phải đảm bảo đã được tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với nCoV.
Ngoài ra, du khách cũng phải cam kết tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và chỉ ở trong giới hạn của phạm vi điểm đến đã đăng ký với nhà chức trách. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề nêu trên, Bộ VH-TT&DL tính toán, cần phải có bộ công cụ để quản lý du khách, tạm gọi đó là "hàng rào xanh". Theo dó, Khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian thí điểm chỉ được ở trong phạm vi "hàng rào xanh".
Đối với tỉnh Kiên Giang, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay, địa phương này đã thực hiện quyết liệt những chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và sự hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh. Nhiều biện pháp căn cơ đã được thực hiện, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép. Cụ thể năm 2020, kinh tế tăng trưởng đạt 3,05%, tổng thu ngân sách 11,850 tỷ đồng, đạt 103% so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Trong đó, để từng bước khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Phú Quốc, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như tăng trưởng chung của cả nước trong điều kiện bình thường mới, từng bước mở cửa kết nối lại giao thương với các nước đã kiểm soát dịch bệnh, UBND tỉnh vừa có kiến nghị cho phép tỉnh Kiên Giang thực hiện thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình "Du lịch cách ly khép kín", thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó sẽ tiến hành đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch,tỉnh Kiên Giang kiến nghị được tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ cư dân TP. Phú Quốc. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp nếu có.
Cho đến nay tỉnh Kiên Giang đã được phân bổ 2 đợt vaccine Covid-19. Đợt 1 tỉnh được phân bổ 18.350 liều, đã tiêm 19.383 người (tỷ lệ 113,3%). Đợt 2 tỉnh được phân bổ 27.485 liều, đã tổ chức tiêm từ ngày 18/6/2021. Đến cuối ngày 24/6/2021 đã tiêm xong 24.097 liều đạt 87,67% kế hoạch. Về kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 toàn dân cho TP. Phú Quốc, Sở Y tế đang xây dựng Kế hoạch tiêm vaccine toàn dân cho TP. Phú Quốc, trong đó dự kiến nhu cầu vaccine trong năm 2021 là 220.000 liều; thời gian triển khai kế hoạch dự kiến trong 16 - 18 tuần ngay khi có nguồn vaccine được cấp về.
Kỳ vọng "phá băng" du lịch
Bộ VH-TT&DL cho biết, từ khi đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh, nên năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm khoảng 80% so với năm 2019. Đặc biệt, kể từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam dừng các đường bay thương mại quốc tế, nên lượng khách quốc tế chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư... nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Ngoài ra, năm 2020, khách nội địa đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58% (tương đương 19 tỷ USD) so với năm 2019; khoảng 40 - 60% lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm hoặc giảm ngày công; có những giai đoạn 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn đóng cửa hoặc giảm công suất sử dụng phòng.
Trước sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch đối với ngành du lịch, nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng việc cho phép triển khai “hộ chiếu vaccine” để đón khách quốc tế như một hành động “phá băng” thị trường để có thể sớm phục hồi kinh doanh du lịch sau một thời gian dài bị tê liệt bởi tác động của dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc VietSense Travel, đón khách du lịch quốc tế sẽ khơi thông dòng chảy kinh doanh cho nhiều loại hình doanh nghiệp từ hàng không, vận tải, lưu trú, nhà hàng, điểm đến, lữ hành… làm cho thị trường du lịch ấm trở lại; đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực khi mà chúng ta là điểm đến an toàn”. Còn Giám đốc Vietfoot Travel - ông Phạm Duy Nghĩa - thì phấn khởi, nếu chủ trương này được triển khai sớm thì ngành du lịch phục hồi càng nhanh. Vì đã gần 2 năm qua du khách Việt Nam không thể đi du lịch ra nước ngoài, cũng như khách nước ngoài không thể vào Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả của việc đón khách và thực hiện hiệu quả phòng chống dịch, theo các chuyên gia cần phải tính toán hết sức cận trọng, khoa học, không để vì lợi ích của một ngành mà ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của cả nước. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng rất đồng lòng về ý kiến này, dù họ thật sự đang rất nóng lòng trở lại kinh doanh.
CEO Lux Group Phạm Hà - đề xuất, thí điểm Phú Quốc khá biệt lập và giống Phuket của Thái Lan, theo đó, bằng mọi cách phải tăng tốc tiêm chủng vaccine cho tất cả mọi người nhất là những người làm trong ngành du lịch, ưu tiên tiêm chủng đủ hai mũi và đón khách quốc tế đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine được quốc tế cũng như Việt Nam công nhận. Đồng quan điểm, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh - nhấn mạnh, chúng ta phải triển khai theo từng bước và cũng có thể phải nghiên cứu triển khai thí điểm với một số nước được đánh giá cao về mức độ an toàn, kiểm soát dịch bệnh để vừa thử nghiệm, vừa đánh giá hiệu quả thực tế.
Theo tính toán, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng; nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn; có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).