Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong; căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai chương trình tại nhà và cộng đồng ở TP. Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Việc triển khai chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt, được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá, tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.
Bộ Y tế cho biết, các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy, thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lê bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP. Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia chương trình.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 953.547 ca mắc Covid-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.680 ca nhiễm). Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi hơn 837.000 bệnh nhân Covid-19, trong số các ca đang điều trị hiện còn 420 bệnh nhân nặng phải thở máy, can thiệp ECMO. Hiện nay, số xã, phường ở cấp độ 4 về dịch đang có chiều hướng gia tăng, trước tình trạng này, nhiều tỉnh thành đã tăng cường thiết lập trạm y tế lưu động, tính riêng TP. Hồ Chí Minh thiết lập 40 trạm y tế lưu động.
Tại Hà Nội, hiện thành phố ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, 30 quận, huyện, thị xã đạt cấp độ 2; 264 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 19 xã, phường so với 5 ngày trước); 312 xã, phường ở cấp độ 1 (tăng 20 xã, phường); 3 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (tăng thêm 1 phường) và có 1 tổ dân phố ở cấp độ 4.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27/4 đến nay), trên địa bàn thành phố có 4.825 ca mắc Covid-19; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.862 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.963 ca.
Trước số lượng ca mắc ngày càng tăng, chương trình nhằm mục tiêu các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.