Biên soạn sách giáo khoa: Đề nghị giải trình trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hơn 200 ý kiến "nóng" từ trường đại học, cơ sở giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi qua ba năm học, câu chuyện nên hay có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn làm nóng dư luận. Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn 1 bộ SGK bằng ngân sách Nhà nước gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK. Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 36 tỉnh, thành đề nghị nên có một bộ SGK để sử dụng chung. Tuy nhiên các nhà giáo lại cho rằng khi ra đời một bộ SGK gắn mác “do Bộ GD-ĐT biên soạn”, mong muốn “1 chương trình, nhiều bộ sách” hay “phá thế độc quyền” sẽ dễ đi đến phá sản. |
Thêm bộ SGK của Bộ GD-ĐT: Học sinh nhận được nền Giáo dục thống nhất
Chia sẻ với phóng viên TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD-ĐT), ủng hộ quan điểm Bộ GD-ĐT nên chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) tiêu chuẩn cốt lõi, còn sách của các đơn vị khác sẽ theo cơ chế thị trường - tức thầy cô và học sinh nếu muốn có thể tham khảo thêm ngoài bộ SGK tiêu chuẩn cốt lõi.
Theo ông Vinh, khi có bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn sẽ đảm bảo tính nhất quán. “SGK được tiêu chuẩn hóa đảm bảo một chương trình giảng dạy nhất quán giữa các trường và lớp học trên cả nước. Điều này giúp duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất và giảm sự chênh lệch về kết quả học tập”, ông Vinh nói.
“Nên có một bộ SGK chuẩn bản quyền, còn các bộ SGK khác chất lượng như thế nào sẽ để thị trường tự lựa chọn. Việc tồn tại hỗn hợp như vậy theo tôi là tốt hơn”.
Ngoài ra, theo ông Vinh với bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn tiêu chuẩn hóa, có thể được cung cấp cho tất cả các trường học và đảm bảo rằng tất cả học sinh đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng bất kể vị trí địa lý hoặc tình trạng kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng 1 bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn có thể hỗ trợ của giáo viên trong việc giảm bớt gánh nặng tìm kiếm các nguồn thông tin đáng tin cậy và cũng giúp họ tập trung vào các chiến lược giảng dạy hiệu quả.
SGK được tiêu chuẩn hóa có thể phù hợp với các đánh giá được tiêu chuẩn hóa, giúp việc kiểm tra, đánh giá tiến bộ của học sinh khách quan, công bằng trên diện rộng dễ dàng hơn.
“Có ý kiến cho rằng theo định hướng mới, SGK cũng chỉ như một trong nhiều tài liệu hỗ trợ chương trình. Nói như vậy không sai, nhưng thực chất, đội ngũ giáo viên hiện nay đã đủ khả năng hay chưa?”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Vinh cho hay việc này cũng giúp các trường học có thể tiết kiệm chi phí mua nhiều bộ SGK, giảm nhu cầu xem xét và thời gian lựa chọn SGK như đang diễn ra.
“Chưa kể việc này cũng sẽ phần nào hạn chế tiêu cực nảy sinh như cạnh tranh nhau giữa các nhà xuất bản, lo lót với các địa phương và nhà trường trong chọn sách liên quan chiết khấu hoa hồng…”, ông Vinh nói.
Ngược lại, theo ông Vinh, việc sử dụng các bộ SGK khác nhau mà không có 1 bộ SGK chung của Nhà nước có thể dẫn đến nhiều thách thức và khó khăn.
“Điều này có thể dẫn đến một chương trình giảng dạy không nhất quán giữa các lớp học, gây khó khăn cho việc đảm bảo rằng tất cả học sinh đều nhận được một nền giáo dục thống nhất. Cùng đó, việc cho điểm và đánh giá học sinh có thể trở nên phức tạp hơn khi các em sử dụng các SGK khác nhau”, ông Vinh nói.
Học sinh tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng |
Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận thực tế hiện nay không quá dồi dào các tác giả viết sách. “Bởi hiện nay, 2 nhà xuất bản đang làm SGK đã quy tụ phần lớn những người có thâm niên viết SGK về. Theo tôi, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện, chúng ta có thiếu người để biên soạn không?
Thực chất, người có kiến thức để biên soạn SGK không thiếu nhưng thiếu ở kỹ năng, kinh nghiệm biên soạn. Bộ GD-ĐT kêu gọi nhưng những người chưa có kinh nghiệm mấy ai dám vỗ ngực có thể viết sách được để đăng ký?
Bộ GD-ĐT nên tổ chức các khóa tập huấn đào tạo để chọn người và như vậy tác giả hoàn toàn có thể từ những giáo viên dạy trực tiếp trên lớp, giảng viên trường sư phạm…”, ông Vinh nói.
Như vậy theo ông Vinh, lời giải cho vấn đề này là Bộ GD-ĐT cần đứng ra tổ chức thực hiện, hợp tác với các nhà giáo dục, chuyên gia và các bên liên quan trong việc phát triển SGK chuẩn hóa.
Bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn khiến chủ trương “phá thế độc quyền” dễ phá sản
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), lại cho rằng không nhất thiết, thậm chí không cần có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn, làm bằng ngân sách Nhà nước.
“Trước đây SGK là pháp lệnh nhưng giờ đây, có thể nói chương trình là pháp lệnh còn SGK chỉ là công cụ, là phương tiện, tài liệu tham khảo. Hiện nay đã có 3 bộ SGK, nếu ra đời thêm một bộ sách nữa liệu có thực sự cần thiết? Đây là một việc cần hết sức nghiêm túc, cân nhắc mà những người có trách nhiệm phải ngồi lại với nhau để phân tích kỹ lưỡng”, thầy Hiếu nói.
Theo thầy Hiếu, khi ra đời một bộ SGK gắn mác “Bộ GD-ĐT biên soạn”, mong muốn chủ trương “1 chương trình, nhiều bộ sách” hay “phá thế độc quyền” sẽ dễ đi đến phá sản.
“Nếu có bộ sách của Bộ GD-ĐT, chưa so sánh chất lượng nhưng liệu các tỉnh có còn lựa chọn một cách khách quan? Thậm chí kể cả không có ý “lấy lòng”, ai dám chắc các địa phương không chọn luôn bộ sách của Bộ biên soạn để vừa nhanh vừa đảm bảo tâm lý “an toàn”.
Chưa kể, theo thầy giáo này, việc biên soạn nên một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 cực kỳ công phu, tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc.
“Có thể phải mất đến 5 năm, trong thời gian đó, học sinh đã học và quen với 3 bộ sách kia. Thêm một bộ sách khi đó có thể gây xáo trộn về mặt tư tưởng, tâm lý của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Tốn kém là chắc chắn nhưng ai dám khẳng định chất lượng, tính ưu việt của bộ sách này sẽ vượt trội so với 3 bộ sách đang sử dụng?”, thầy Hiếu băn khoăn.
Học sinh tiểu học sử dụng SGK. Ảnh: Thanh Hùng |
Liên quan đến nội dung này, mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc với kiến nghị nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, thậm chí “cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết”.
Bộ trưởng GD-ĐT thể hiện quan điểm một cách mạnh mẽ khi cho rằng: “Nhà nước (Bộ GD-ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. SGK là học liệu, công cụ, hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?".
Theo ông Kim Sơn, điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới. Bộ GD-ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.
Ông Sơn nói thêm nếu lo lắng về an toàn an ninh SGK điều này cũng không thành vấn đề vì NXB Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đang nắm bản quyền 2 bộ SGK. SGK cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định...
“Điều này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết số 122 năm 2020 cho phép Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Hiện nay, tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề”, ông Sơn nói.
Ý kiến này cũng được người đứng đầu ngành Giáo dục đề cập tại hội nghị đoàn Chủ tịch lần thứ 17 (9/5 vừa qua) nhằm cho ý kiến vào nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.
"Có ý kiến cho rằng một quốc gia mà có nhiều bộ SGK làm sao thống nhất được dạy và học. Sự thống nhất ở đây bởi chương trình năm 2018", Bộ trưởng lý giải và cho biết nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng giống như Việt Nam.
Việt Nam có 3 bộ SGK lớn được lưu hành và một số cuốn sách nhỏ lẻ khác nhau. Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, đây là sự thay đổi rất lớn. Phân tích thêm ưu điểm nhiều bộ SGK, ông cho biết sẽ có thêm nhiều tư liệu; tạo sự chủ động, sáng tạo; có thể huy động nguồn lực, trí tuệ, tài chính tham gia biên soạn sách.
Để cạnh tranh các đơn vị phải phát huy sáng tạo để bộ sách của mình tốt nhất, hấp dẫn nhất. Đến nay có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn hệ thống SGK.
"Trước đây chương trình cũ, giáo viên là người truyền thụ, kiểm tra, đánh giá kiến thức, ở chương trình mới giáo viên là người tổ chức, định hướng, hỗ trợ, cho nên vai trò giáo viên thay đổi", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, chương trình mới đặt ra nhiều thách thức. Trước kia công việc của bộ kiểm tra chất lượng SGK "đơn giản, nhẹ nhàng hơn", khi thực hiện chương trình mới, quản lý của bộ "nhiều hơn, khó khăn, phức tạp hơn" vì phải thẩm định nhiều bộ SGK nên rủi ro cao hơn.
Ngoài ra, nhà trường còn phải đáp ứng trang thiết bị và số lượng giáo viên phù hợp với chương trình mới. Giáo viên nếu không được tập huấn đầy đủ cũng dễ lúng túng khi triển khai.