Theo đó, hành vi không cưỡng chế khiến chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm dạy và Thực hành công nghệ kỹ thuật DĐK của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội không thể thực hiện.
Khu đất số 169 Trung Kính chưa thể hoàn thành GPMB vì vẫn “vướng” công trình vi phạm của một số hộ dân |
Gần 3 năm Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy không cưỡng chế nổi… vi phạm ?
Theo hồ sơ, ngày 01/12/2016, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 6624/QĐ-UBND cho Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy và Thực hành công nghệ kỹ thuật DĐK (Dự án kỹ thuật DĐK) với tổng diện tích 1.771 m2 tại khu đất 169, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK thực hiện. Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đồng ý cho phép Công ty DĐK được nhận chuyển tiếp dự án từ liên danh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TST.
Theo phản ánh, Công ty DĐK đã bỏ toàn bộ kinh phí để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB). Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng ký hợp đồng thuê đất đối với chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi đền bù GPMB, trong thời gian Công ty DĐK thực hiện các bước triển khai theo đúng trình tự pháp luật thì “bỗng dưng” có 02 hộ dân là ông Nguyễn Đăng Ngà và ông Nguyễn Trọng Tú ngang nhiên chiếm dụng mặt bằng, xây dựng nhà cấp bốn và kinh doanh trái phép trên diện tích xây dựng khoảng 100m2 tại khu đất trên.
Ngày 05/11/2019, Uỷ ban Nhân dân phường Yên Hòa đã có Văn bản số 114/QĐ-XPVPHC và Văn bản số 115/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đăng Ngà, bà Nguyễn Thị Hảo (vợ ông Nguyễn Trọng Tú) với mức phạt mỗi người 4 triệu đồng vì hành vi lấn chiếm đất và buộc phải khôi phục tình trạng và trả lại đất trong thời hạn 3 ngày phải khắc phục xong. Do 2 hộ gia đình không tự nguyện tháo dỡ, ngày 16/12/2019, Uỷ ban Nhân dân phường Yên Hòa đã ban hành 02 Quyết định cưỡng chế số 305/QĐ-KPHQ và 306/QĐ-KPHQ buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi chiếm đất, xây dựng trái phép tại khu đất 169 Trung Kính.
Đồng thời, ngày 15/10/2021, Công an phường Yên Hoà cũng có Báo cáo số 176/BC-CAP nêu rõ nguồn gốc lô đất của dự án và tình trạng vi phạm quản lý đất đai. Cụ thể, Công an phường Yên Hoà xác định: Lô đất đã đền bù GPMB xong nhưng 2 hộ gia đình là ông Nguyễn Đăng Ngà và Nguyễn Trọng Tú tự ý lấn chiếm và xây dựng công trình nhà cấp 4 với diện tích khoảng 100m trong khoảng thời gian 2009-2011. Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính nhưng 2 hộ này không chấp hành. UBND phường Yên Hoà cũng đã tống đạt 2 quyết định cưỡng chế đối với 2 hộ này nhưng vẫn chưa thực hiện được cưỡng chế.
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy và Thực hành công nghệ kỹ thuật DĐK |
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết các công tác GPMB tại 169 Trung Kính, UBND phường Yên Hòa cũng đã tổ chức các buổi làm việc với đầy đủ thành phần liên ngành gồm Chủ tịch phường, Trung tâm PTQĐ, Phòng Quản lý Đô thị, Thanh tra quận, Phòng TN&MT, Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phố 45… Sau cuộc họp cũng đã có kết luận và báo cáo số 111/BC-UBND ngày 24/12/2019 nói rõ nguồn gốc đất, tiến trình giải quyết 02 hộ dân lấn chiếm mặt bằng của dự án và xin ý kiến UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo cho cưỡng chế. Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì, UBND quận Cầu Giấy vẫn không có chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện cưỡng chế khiến sai phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, tồn tại đến hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi trên của các đối tượng vi phạm đã thách thức cả chính quyền và luật pháp.
UBND quận Cầu Giấy có “ngó lơ” ý kiến của các cơ quan chức năng?
Trước việc chậm trễ được nhận bàn giao mặt bằng để triển khai dự án, Công ty DĐK đã nhiều lần gửi công văn, báo cáo và trực tiếp phối hợp làm việc với Sở TN&MT, Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội (Trung tâm PTQĐ), UBND quận Cầu Giấy đề nghị cưỡng chế GPMB và bàn giao cho doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 02/03/2017, Sở TN&MT có Văn bản số 1601/STMT-CCQLĐĐ đề nghị Trung tâm PTQĐ phối hợp cùng Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy và Công ty DĐK tổ chức triển khai GPMB và hoàn thiện thủ tục bàn giao khu đất. Trung tâm PTQĐ cũng đã có các Thông báo số 996/TB-TTPTQĐ ngày 15/11/2017, Thông báo số 1067/TB-TTPTQĐ ngày 12/12/2017 và Thông báo số 1090/TB-TTPTQĐ ngày 21/12/2017, yêu cầu 02 hộ dân thu dọn tài sản trên đất và bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, Trung tâm PTQĐ cũng có các Báo cáo số 581/BC-TTPTQĐ ngày 26/6/2017, số 12/BC-TTPTQĐ ngày 08/01/2018, số 211/BC-TTPTQĐ ngày 30/3/2018, số 892/BC-TTPTQĐ ngày 28/11/2018, số 546/BC-TTPTQĐ ngày 28/8/2019, số 111/BC-TTPTQĐ ngày 23/3/2020, khẳng định sự sai phạm, chiếm dụng mặt bằng dự án của 02 hộ dân và kiến nghị Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy có biện pháp cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao cho Công ty DĐK thực hiện dự án theo đúng quy định.
Mới đây, ngày 9/3/2022, Trung tâm PTQĐ tiếp tục có Văn bản số 75/TTPTQĐ-QLPTQĐ gửi Công ty DĐK thể hiện rõ: “Trung tâm PTQĐ đã nhiều lần báo cáo UBND quận Cầu Giấy, Uỷ ban Nhân dân phường Yên Hòa xem xét tổ chức cưỡng chế tháo dỡ trả lại mặt bằng cho Trung tâm quản lý theo quy định”. Vậy nhưng, UBND quận Cầu Giấy vẫn hoàn toàn không có động thái tỏ rõ quyết tâm “đấu tranh” đến cùng với sai phạm nêu trên.
Đồng thời, Công ty DĐK đã có đơn kiến nghị gửi tới Ban Nội chính Trung ương, Thành ủy, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị giải quyết và báo cáo kết quả sự việc. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ đạo này dường như UBND quận Cầu Giấy coi là “ném đá ao bèo” khi vẫn không tổ chức cưỡng chế dứt điểm sai phạm, khiến nhà đầu tư bức xúc? Trong khi đó, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao nhà đầu tư phải hoàn thành trong quý IV năm 2018. Vậy nhưng đã 6 năm trôi qua, kể từ khi Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ký quyết định chủ trương đầu tư, Công ty DĐK vẫn chưa có được mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Quá bức xúc vì dự án bị chậm trễ do có dấu hiệu tắc trách của chính quyền quận Cầu Giấy, Công ty DĐK đã phải viết đơn phản ánh gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: “Chúng tôi không rõ rằng ở đây có hay không một bộ phận cán bộ của quận Cầu Giấy vì quyền lợi, lợi ích nhóm mà coi thường pháp luật, thực hiện việc bao che, bảo kê và chống lưng cho những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật về đất đai đã rõ ràng và tồn tại quá nhiều năm, làm ảnh hưởng đến các công tác quản lý đất đai, ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư, xây dựng của dự án theo chủ trương của thành phố Hà Nội?”.
Qua sự việc có thể nhận thấy, Công ty DĐK rất bức xúc khi đang phải đi “trên đinh” bởi sự thiếu quyết liệt trong cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng của Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy, khiến người dân, doanh nghiệp “xói mòn” niềm tin vào sự công minh, mẫn cán, đạo đức, trách nhiệm với công việc của cán bộ thuộc UBND quận Cầu Giấy. Tình trạng này không phải là cá biệt đối với Công ty DĐK mà dường như đang trở thành vấn nạn, thường xuyên xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã nhiều lần phải lên tiếng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy xử lý dứt điểm sai phạm tại căn biệt thự số 09 lô B (khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa), đồng thời làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy. Vậy nhưng, cùng với công trình vi phạm tại số 169 Trung Kính, căn biệt thự số 09 vẫn không “được” Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ mà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” như “thách thức Trung ương”, thách thức cả hệ thống công quyền và sự nghiêm minh của pháp luật ? Còn trách nhiệm của ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ở đâu trong các sự việc này vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ lời đáp ?
Trước sự việc này, dư luận cũng đang đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy liệu có “bất lực” hay “bao che” cho sai phạm? Hay phải chăng liệu có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, tiêu cực? Câu hỏi này không phải là không có cơ sở khi trong đơn phản ánh, Công ty DĐK cho rằng, ông Trần Đình Cường, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Cầu Giấy được giao quản lý, xử lý sự việc này có lời nói mang tính chất doạ dẫm doanh nghiệp, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Theo đơn, Công ty tự thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất theo chỉ đạo của lãnh đạo quận và đã có văn bảo báo cáo kế hoạch, đề nghị phối hợp thực hiện gửi tới chính quyền quản lý địa bàn là UBND phường Yên Hòa và Công an phường Yên Hòa. Sau thời điểm ngày 15/10/2021 công việc giải phóng mặt bằng tại đây cũng đã có những bước tiến triển khả quan song ông Cường lại có ý kiến ngăn cản, không cho tiếp tục thực hiện và sau đó một số người đến hiện trường, tự ý cắt, phá khóa hàng rào bao quanh khu đất dự án, đuổi nhân viên bảo vệ ra, đưa máy móc, thiết bị vào mặt bằng, đóng cửa và hỗ trợ cho 02 hộ dân tái lấn chiếm lại khu đất.
Ngoài ra, công ty cũng nhiều lần có đơn đề nghị ông Bùi Duy Cường - Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội có phương án giải quyết dứt điểm việc giải tỏa mặt bằng và bàn giao khu đất nêu trên để Công ty triển khai đầu tư thực hiện Dự án theo đúng chủ trương đã được phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, ông Cường cũng hầu như không có động thái triển khai gì khiến dư luận càng băn khoăn, khó hiểu?
Báo Công Thương sẽ tiếp tục làm rõ, thông tin tới bạn đọc.