Huyện Tiên Lữ nắm bắt thời cơ, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế bền vững với phát triển văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu xây dựng huyện Tiên Lữ phát triển toàn diện và bền vững. Đó là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội huyện Tiên Lữ trong giai đoạn tới.
Kinh tế xã hội phát triển đồng bộ
Với vị trí tiếp giáp thành phố Hưng Yên, có Khu Đại học Phố Hiến và các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 38B, 39A, Đường 200, Đường nối Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ Ninh Bình, đường Đê tả Sông Luộc… huyện Tiên Lữ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội nhanh hơn và toàn diện hơn.
Trụ sở làm việc UBND huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (Ảnh Vũ Phường) |
Có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với trên 5.400 ha; có 12 km sông Luộc chạy qua cùng hệ thống đầm ao, ruộng trũng, do vậy, thời gian qua, huyện đã coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hoá tiêu chuẩn VietGap; quy hoạch các vùng chuyên canh; khai thác tiềm năng vùng bãi; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn lồng, cây có múi, hoa, rau màu; ứng dụng công nghệ mới với mô hình nhà lưới, nhà kính; nhân rộng mô hình nuôi cá sông trong ao nước tĩnh; nuôi cá bán nổi; nuôi cá lồng bè trên sông. Đồng thời, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thế mạnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ cho biết, phát huy những tiềm năng này, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tiên Lữ đã đạt được kết quả khá toàn diện. Tổng giá trị sản xuất tăng 10,2% so với năm 2021 và tăng 9,5% so với kế hoạch; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản – công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ: 12,54% - 42,57% - 44,89%; thu nhập bình quân 1 ha đất canh tác đạt 205 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 679 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo là 2,09%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93,3%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65,5%... Đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công nghiệp, xây dựng ngày càng chiếm tỷ trọng cao, huyện đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập các cụm công nghiệp Thiện Phiến, Hải Triều, Dị Chế, Ngô Quyền. Nhiều mô hình kinh tế hợp tác được nhân rộng, chăn nuôi mở rộng theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp, quy hoạch tập trung, xa khu dân cư. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Ghi nhận thành tích của huyện, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Lữ về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh phát huy các thế mạnh địa phương
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, huyện Tiên Lữ phấn đấu tổng giá trị sản xuất tăng 10%; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng – thương mại dịch vụ là: 11,62% - 42,76% - 45,62%; thu nhập bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 415,8 tỷ đồng; 100% thôn, khu phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 75%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%... Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thị trấn Vương trở thành đô thị loại IV; khu vực Thụy Lôi đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, hiện đại và đồng bộ; là những trung tâm kinh tế quan trọng của huyện.
|
Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện Tiên Lữ đề ra các giải pháp chủ yếu như: Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, công tác quy hoạch nhằm xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tăng cường quản lý, khai thác nguồn thu ngân sách; tiếp tục cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ mọi nguồn lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nhiều loại hình và quy mô. Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề hiện có. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp về chế biến nông sản, thực phẩm. Phát triển nhanh và đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có lợi thế. Thực hiện thu ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ các loại thuế, các loại phí và lệ phí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công; Thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, công tác giảm nghèo thông qua các chương trình, đề án, chính sách.