Theo tờ Australian Financial Review, các quốc gia đã đạt được thỏa thuận kêu gọi giải quyết nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng khí hậu là nhiên liệu hóa thạch, phá vỡ thế bế tắc vốn đã cản trở các cuộc đàm phán về khí hậu trong 3 thập kỷ qua.
Cụ thể, thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) năm 2023 ở Dubai (UAE), đưa ra khuyến nghị rõ ràng là các nước “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050, phù hợp với khoa học”.
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh sự cần thiết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch |
Theo các chuyên gia, thỏa thuận này có thể là yếu tố thay đổi tích cực cho tình hình khí hậu thế giới, đồng thời “về cơ bản báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch”. Nhiên liệu hóa thạch, bao gồm than, dầu và khí đốt, chiếm hơn 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và gần 90% tổng lượng phát thải carbon dioxide.
Tuy nhiên, ngay cả Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt năm 2015 cũng không đề cập cụ thể đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó tập trung vào nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Wopke Hoekstra, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu, cho biết: “Nhân loại cuối cùng đã làm được điều mà lẽ ra phải làm từ lâu rồi”.
Nhưng ngay cả khi các nhà đàm phán coi kết quả này là lịch sử, thì nhiều người vẫn thừa nhận rằng thảo thuận mới không đi xa như họ mong muốn và vẫn để lại một con đường bấp bênh phía trước. Các chuyên gia chỉ ra những biện pháp nửa vời cho phép tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở một mức độ nào đó trong nhiều thập kỷ tới. Ngoài ra, thỏa thuận này không có sức mạnh ràng buộc và việc thực hiện sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tài chính, lợi ích và tình hình chính trị.
Thỏa thuận bước ngoặt?
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cho biết: “Liệu thỏa thuận tại COP28 có phải là bước ngoặt thực sự đánh dấu điểm khởi đầu cho sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch hay không còn phụ thuộc vào những hành động tiếp theo”.
Thỏa thuận được đưa ra sau 2 tuần đàm phán căng thẳng cho thấy, việc chuyển đổi năng lượng đang tạo ra những rạn nứt địa chính trị mới. Các nhà xuất khẩu dầu lớn ở vùng Vịnh có mối liên kết với những quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm đẩy lùi các mục tiêu về nhiên liệu hóa thạch mà người châu Âu và các quốc đảo mô tả là thiết yếu.
Để chứng tỏ những lợi ích bị thu hẹp, một số quốc gia kêu gọi giảm dần dầu khí - Mỹ, Canada, Na Uy và Australia - đang đồng thời lên kế hoạch cho các dự án mở rộng. Sau các cuộc đàm phán, thỏa thuận nhanh chóng được đưa ra trong phiên họp toàn thể khiến các nhà quan sát phải bất ngờ.
Các nhà khoa học cho rằng nếu nhân loại muốn ngăn những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, lượng phát thải cần phải giảm 45% từ nay đến năm 2030 |
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thỏa thuận tại COP28 vẫn khiến hành tinh rơi vào quỹ đạo nguy hiểm. Liên Hợp Quốc cho hay, đến năm 2030, thế giới sẽ phải cắt giảm 43% lượng khí thải nhà kính để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng nhất của Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C. Điều đó đòi hỏi phải cắt giảm mức phát thải hàng năm, vốn chỉ đạt được trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry nhận xét, COP28 là kỳ họp cuối cùng mà mục tiêu 1,5 độ C có thể vẫn nằm trong tầm tay. Trong khi, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi thỏa thuận này là “cột mốc lịch sử” giúp duy trì hy vọng về Thỏa thuận Paris.
Chuyên gia Catherine Abreu, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của nhóm vận động khí hậu Destination Zero cho biết, cuối cùng ảnh hưởng của các tác nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giúp tạo động lực cho một thỏa thuận trong lĩnh vực này.
Mục tiêu chính của COP năm 2023 là đưa ra phản hồi cho đánh giá gần đây, được thực hiện như là phần tiếp theo của Thỏa thuận Paris, trong đó chính thức xác định rằng thế giới đã đi chệch hướng trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Điều đó đã giúp tăng cường sự tập trung vào vấn đề nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh một năm nhiệt độ cao kỷ lục, băng tan ở Bắc Cực và cháy rừng diện rộng.
Lộ trình rõ ràng
Tuy nhiên, có những con đường rõ ràng để tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận tại COP28 nhằm mục đích cho đến năm 2050 đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Nhưng ngay cả trong kịch bản đó, sẽ có không gian hạn chế đối với dầu mỏ và khí đốt.
Việc giảm tốc độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Văn bản này cũng đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường các công nghệ có thể thu hồi lượng khí thải trong các lĩnh vực ngốn năng lượng và từ lâu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bao gồm thép, xi măng và vận tải biển.
Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch từ lâu đã sử dụng công nghệ thu hồi carbon, hút carbon dioxide ra khỏi không khí và lưu trữ sâu dưới lòng đất như một loại thuốc chữa bách bệnh khí hậu. Nhưng các nhà môi trường lo ngại rằng công nghệ này, vốn có nhiều thành tích chưa rõ ràng và chưa bao giờ được triển khai rộng rãi, có thể trở thành tấm bình phong khiến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
Thỏa thuận cũng cho phép “nhiên liệu chuyển tiếp” đóng một vai trò nhất định. Điều này thường được cho là ám chỉ khí đốt tự nhiên, từ lâu đã được coi là “nhiên liệu cầu nối” mà xã hội có thể sử dụng trong khi chờ đợi các giải pháp thay thế sạch hơn xuất hiện.
Tuy nhiên, thành phần chính của khí tự nhiên là mê-tan, một chất gây ô nhiễm không khí mạnh và làm nóng bầu khí quyển nhanh hơn carbon dioxide trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt khi giá năng lượng tăng vọt.