Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: “Vàng thau lẫn lộn” |
Hoàn thiện khung pháp lý
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thông tư số 22/2016/TT-NHNN (Thông tư 22) được ban hành từ năm 2016 và đã được sửa đổi bổ sung một lần bằng Thông tư số 15/2018/TT-NHNN (Thông tư 15) năm 2018. Từ đó đến nay, các quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tế về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), hoạt động mua, bán TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhiều thay đổi. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã Dự thảo Thông tư quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái TPDN (không bao gồm trái phiếu do TCTD phát hành) thay thế Thông tư số 22 và Thông tư số 15.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Dự thảo Thông tư quy định việc TCTD mua, bán TPDN của NHNN trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22, Thông tư 15 và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững. Đồng thời, bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua TPDN giữa các TCTD và hoạt động bán TPDN của các TCTD để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD, qua đó quản lý các hoạt động này thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng khác.
Dự thảo Thông tư được NHNN lấy ý kiến gồm 14 Điều quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; nguyên tắc, điều kiện mua, bán TPDN; trách nhiệm của TCTD khi thực hiện mua, bán TPDN; giới hạn mua TPDN; hệ số rủi ro, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với số dư mua TPDN; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp…
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Dự thảo Thông tư được NHNN lấy ý kiến gồm 14 Điều quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng |
“Nhận thấy nội dung Thông tư ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD đồng thời căn cứ đề nghị của các hội viên, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tọa đàm trực tuyến để các hội viên có thể tham gia góp ý với dự thảo Thông tư, trao đổi về một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, đồng thời đề xuất, kiến nghị cơ quan soạn thảo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Đóng góp ý kiến tại toạ đàm ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, sau nhiều năm áp dụng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư về mua, bán TPDN hiện nay là cần thiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD. Đặc biệt là việc bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động này.
Để hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý liên quan đến phát hành TPDN, tại hội nghị có nhiều ý kiến đề nghị NHNN xem xét có hướng dẫn đối với một số hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu mà pháp luật đã quy định TCTD được thực hiện.
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, điều 106 Luật Các TCTD quy định, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của NHNN. Thực tế liên quan tới hoạt động phát hành TPDN, với các khoản trái phiếu mà TCTD đầu tư, để chủ động quản lý, xử lý rủi ro tín dụng thì các TCTD thường vẫn làm đầu mối quản lý tài sản bảo đảm.
Theo ông Nguyễn Thành Long, một số trường hợp, TCTD không đầu tư nhưng với uy tín và kinh nghiệm quản lý, xử lý tài sản bảo đảm, tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn có nhu cầu để các TCTD đứng ra làm đại lý quản lý tài sản bảo đảm, nhưng hiện nay NHNN chưa có hướng dẫn cụ thể nên các TCTD cũng chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.
Ông Nguyễn Thành Long cũng chỉ ra một số hoạt động TCTD được phép thực hiện theo các văn bản pháp luật khác như đại lý phát hành TPDN nhưng NHNN chưa có hướng dẫn cụ thể để các TCTD được thực hiện hoạt động này. NHNN cần ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của các TCTD liên quan đến phát hành TPDN để có hành lang pháp lý thực hiện.
Để mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững
Đóng góp ý kiến về nội dung TCTD không được vay vốn của TCTD khác để mua TPDN, theo ông Nguyễn Thành Long, Luật các TCTD không cấm hoạt động này, nên không có sơ sở để đưa ra điều cấm như trên. Việc đưa ra điều cấm này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, các TCTD huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm nguồn vốn từ dân cư, tổ chức và các định chế tài chính (bao gồm TCTD khác) và thực hiện quản lý vốn tập trung. Nguồn vốn tập trung được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đầu tư, cho vay, trả nợ đến hạn... và không tách riêng nguồn hình thành vốn khi sử dụng. Vì vậy, TCTD không có căn cứ để xác định nguồn vốn sử dụng để mua trái phiếu doanh nghiệp được hình thành từ nguồn nào. “Do đó, đề nghị bỏ nội dung này do không phù hợp với hoạt động quản lý vốn của TCTD” - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị.
Nhiều ý kiến đề nghị NHNN xem xét có hướng dẫn đối với một số hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu mà pháp luật đã quy định TCTD được thực hiện |
Hay về nội dung TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động, ông Nguyễn Thành Long cho rằng: Mục đích tăng quy mô vốn hoạt động là mục đích phát hành trái phiếu hợp pháp theo Luật Chứng khoán và Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh là nhu cầu chính đáng và không thuộc các trường hợp không được cấp tín dụng và TCTD vẫn được phép cho vay đối với mục đích này theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
“Nếu quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Tổ chức phát hành có nhu cầu huy động vốn thật sự, cũng như TCTD trong hoạt động đầu tư này. Thực tế hiện nay, các nhà đầu tư tham gia đầu tư thị trường TPDN chủ yếu là các TCTD, các công ty chứng khoán. Với quy định này của dự thảo sẽ làm giảm cơ hội các TCTD được đầu tư vào thị trường này, cũng như làm giảm đi sức hấp dẫn, thanh khoản của TPDN, thị trường TPDN” - ông Nguyễn Thành Long nêu.
Do đó, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định các TCTD không được đầu tư vào TPDN có mục đích phát hành tăng quy mô vốn hoạt động. Nhằm kiểm soát chặt hoạt động mua TPDN, thay vì quy định không cho phép, NHNN có thể xem xét đưa ra các điều kiện ràng buộc mà TCTD phải đáp ứng khi đầu tư vào TPDN ở giai đoạn đầu tư sơ cấp.
Tại dự thảo Thông tư quy định: Các chính sách và giới hạn quản lý rủi ro tín dụng trong hoạt động mua, bán TPDN, hệ thống đo lường và quản trị rủi ro, điều kiện, biện pháp và quy trình xử lý rủi ro. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long, việc TCTD bán đứt đoạn TPDN đang sở hữu hoàn toàn không phát sinh rủi ro về tín dụng đối với TCTD. Chính vì thế việc xây dựng giới hạn quản lý rủi ro tín dụng, hệ thống đo lường... đối với hoạt động bán TPDN là chưa phù hợp…