I. “Chúng tôi sẽ lập một website, qua đó, trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ cùng các chuyên gia thu nhận, lắng nghe, điều chỉnh kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư” - đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam ngày 6/8/2016.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo một doanh nghiệp khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cả nước đang kỳ vọng rất lớn vào việc Văn phòng Chính phủ mở website tại địa chỉ: doanhnghiep.chinhphu.vn kể từ ngày 1/10/2016 để tiếp nhận và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống này không chỉ nhằm giải quyết vụ việc mà doanh nghiệp gặp phải. Bởi ngoài những vụ việc mà các cơ quan giải quyết không đúng theo quy định của pháp luật, thì nhiều doanh nghiệp còn bức xúc vì chính những quy định, chính sách bất cập, vô lý. Đó cũng là lý do Thủ tướng yêu cầu việc vận hành hệ thống phải có sự tham gia của các chuyên gia.
II. Trong một nỗ lực khác để mở cửa hơn nữa cho các doanh nghiệp, vừa qua, lãnh đạo 53/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trước sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ. Bên cạnh đó, đích thân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho VCCI xây dựng bộ chỉ số hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công bố hằng năm, dựa trên tiêu chí số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giải thể; chỉ số đóng góp khu vực của doanh nghiệp… làm thước đo kiểm tra, giám sát mức độ thực hiện cam kết của các tỉnh.
“Đây là những cam kết lịch sử, lần đầu tiên xuất hiện trong môi trường kinh doanh ở nước ta” - TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh và cho rằng, việc hoàn thành ký cam kết giữa VCCI và 53 tỉnh, thành phố thể hiện quyết tâm của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới, nhưng cũng là năm chứng kiến nhiều khó khăn, thử thách của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế được xem là đặc biệt có ý nghĩa. Chính phủ đã mở cửa cho doanh nghiệp, thắp lửa cho doanh nhân.
III. “Trong cải cách thủ tục hành chính, quan điểm của Bộ Công Thương là không nói suông” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người vừa chủ trì các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh liên quan đến cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính - khẳng định.
Thứ trưởng Khánh cũng cho rằng, chính sách là vì doanh nghiệp, doanh nhân nên cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay với các cơ quan chức năng, trong đó có cả Bộ Công Thương để xây dựng chính sách ngay từ khi nó đang được viết ra.
Lâu nay, tiêu chí minh bạch xuất hiện với tần suất khá cao trong các văn bản liên quan đến cải cách thủ tục hành chính của nhiều bộ, ngành và các địa phương. Nhưng minh bạch cái gì và minh bạch thế nào là cả một vấn đề. Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), việc minh bạch các thủ tục hành chính của Bộ tới đây sẽ đặc biệt chú trọng khâu “tròn chữ, rõ nghĩa” trong văn bản để có thể thực hiện ngay mà không phải để các doanh nghiệp và doanh nhân “ngược Bắc xuôi Nam”. Điều này cũng đồng nghĩa với cam kết của Bộ Công Thương trong việc nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính hướng tới cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cả nước.