Doanh nghiệp nội chậm lớn ngay trên "sân nhà"
Chia sẻ tại tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn" do Báo Công Thương tổ chức, ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương đánh giá, thời gian qua, chúng ta đã có một số doanh nghiệp "sếu đầu đàn" có thể dẫn dắt nền kinh tế như: Vingroup, THACO, Hòa Phát… những doanh nghiệp, tập đoàn đã tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp vệ tinh và người lao động.
Ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương - Ảnh: Cấn Dũng |
Nhưng ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ đang xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp, công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Khoa nêu dẫn chứng, đơn cử như trong các chương trình dự án về năng lượng, trong phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đường cao tốc... chúng ta đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI, như vậy, giá trị thặng dư rất ít, hàm lượng công nghệ mang lại cũng không cao.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Trần Đình Thiên, thực tế hiện nay, ngành công nghiệp của nước ta hiện đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 22-23% GDP, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%...
Đối với phát triển ngành công nghiệp, Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa. Doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới; chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn, thế giới vào Việt Nam. Không những vậy, bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp còn yếu.
"Doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta có lớn, nhưng chậm, do đó, cần có cách tiếp cận mới, khác thường để có những bước tiến xứng tầm, đúng với thời đại", TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên - Ảnh: Cấn Dũng |
Nhà thầu nội địa cần được trao niềm tin
Tại tọa đàm, các diễn giả đều chung đánh giá, trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp Việt Nam, trong đó có công nghiệp mũi nhọn có đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót cần khắc phục cả trước mắt và trong chiến lược dài hạn.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách.
"Điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là liên quan đến việc đánh giá năng lực nhà thầu, chúng ta phải giải quyết được điểm nghẽn này", ông Vũ Văn Khoa nói.
Lấy ví dụ chứng minh cho quan điểm trên, ông Khoa kể câu chuyện của ngành thủy điện trước đây đều phụ thuộc nguồn nước ngoài và giá bán rất cao. Viện Nghiên cứu Cơ khí lúc đó được Bộ Công Thương cấp kinh phí 157.000 USD, giao nhiệm vụ phải học hỏi được kinh nghiệm quốc tế. Đơn vị đã đi khảo sát tất cả các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Đức, Nga và Ukraine… vì đó là những cường quốc làm về thủy điện và sau đó lựa chọn đối tác là Ukraine. Kinh phí chỉ sử dụng hết 150.000 USD.
Khi về nước, các doanh nghiệp ở trong nước không ủng hộ vì nghĩ rằng chúng ta không thể thiết kế được. Sự quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo Bộ đã giúp đơn vị này thiết kế làm được 29 công trình, giảm giá thành sản phẩm cũng như giảm mức đầu tư. Thủy điện Sơn La phát điện sớm hơn 2 năm, tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Quay trở lại với câu chuyện hiện nay, ông Khoa cho rằng doanh nghiệp cơ khí trong nước với nguồn lực hiện tại hoàn toàn có thể thực hiện được những công việc lớn, phức tạp ở các dự án lớn mà từ trước đến nay đấu thầu và hầu như thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
"Nếu tin tưởng vào đội ngũ doanh nghiệp cơ khí trong nước, nếu có cơ chế phù hợp thì chúng ta sẽ làm chủ được và đất nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền", ông Khoa nói.
Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, Công ty CP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) - Ảnh: Cấn Dũng |
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, Công ty CP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) cho rằng, trong môi trường kinh doanh có những khó khăn khác nhau, để có một ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, tạo ra những trụ cột thì cần 3 yếu tố, cụ thể:
Thứ nhất, ở góc độ thị trường, bằng cách nào đó tăng cường niềm tin đối với doanh nghiệp Việt Nam, giao cho những dự án mà doanh nghiệp có đủ năng lực thực thi, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai là chính sách hạ tầng về công nghiệp, nên có những chính sách xuyên suốt, dài hơi. Để doanh nghiệp phát triển, trở thành trụ cột cần thời gian dài, nhiều năm, vì vậy, cần chính sách lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba là yếu tố về nguồn nhân lực. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp bây giờ đã chủ động đào tạo, đào tạo ra rất nhiều kĩ sư nhưng đôi khi thiếu ứng dụng thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ.
"Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường lớn hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc... và hiện nay Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực, của thế giới, trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu, do vậy, bên cạnh cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cần chủ động các kế hoạch để nắm bắt cơ hội, trở thành những trụ cột phát triển của đất nước, vươn tầm thế giới", ông Tân nói.