Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu giải trình |
Theo tờ trình của Chính phủ thì đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong cả giai đoạn 2011-2016, nhưng việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án rất chậm, chưa hiệu quả, nhất là những khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển…
Chính vì vậy Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết nhằm tạo cơ chế để xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả, đảm bảo thị trường mua bán nợ phát triển lành mạnh.
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, cần thiết phải có nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vì nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế; trên quan điểm không sử dụng ngân sách để xử lý; xử lý nghiêm trách nhiệm của người hoặc tổ chức gây ra nợ xấu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, căn cứ theo tờ trình của Chính phủ, nợ xấu chiếm khoảng trên 10% nghĩa là cứ 10 đồng cho vay thì có 1 đồng nợ xấu. "Tôi đồng ý cần ban hành nghị quyết để xử lý nhanh các khoản nợ xấu, cắt bỏ cục máu đông khơi thông dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế" – ông Cường nói.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường |
Đại biểu Nguyễn Tiến Sáu (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, điều cốt lõi là cần tìm ra nguyên nhân gây ra nợ xấu mới có các giải pháp để xử lý.
Trước đây chúng ta chưa quản chặt tư nhân huy động vốn nên đã nảy sinh nhiều vụ việc ví dụ như vụ nước hoa Thanh Hương gây nợ cho 70 nghìn người ở 33 tỉnh thành phố, gây thiệt hại 54 tỷ đồng vào những năm 89-90 của thế kỷ 20. Các năm sau này, dù ngân hàng đã có hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ hơn như quy định bộ phận tín dụng phải thẩm định tài sản của người vay; không cho vay vượt quá 70% giá trị tài sản nhưng vẫn phát sinh nhiều vụ việc, điển hình như vụ Minh Phụng Espco.... điều này tạo ra khoản nợ lớn, nợ xấu.
Những năm gần đây (2004-2013), quy định ngân hàng khá chặt chẽ, không huy động vượt trần; ngân hàng không được dùng tiền để gửi ở ngân hàng khác nhằm hưởng chênh lệch, nhưng những người có trách nhiệm đã lách luật để trục lợi, không giám sát, kiểm tra chặt chẽ... tạo góc khuất lớn trong kinh doanh tiền tệ. Điển hình như vụ Huyền Như thiệt hại 4.000 tỷ đồng, một số vụ khác đã xét xử 7.000-9.000 tỷ đồng.
Cơ chế trong ngân hàng chưa phát huy hết mức, tạo điều kiện cho người có điều kiện lợi dụng chức vụ, thẩm quyền gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra các khoản nợ. Vì vậy cần giám sát chặt chẽ hơn nữa, đồng thời xử lý nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo ra nợ xấu.
Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, phát biểu giải trình làm rõ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổng kết việc thực hiện những nguyên nhân, đề án đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét.
Về nguyên nhân gây ra nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, yếu tố chủ quan gây ra nợ xấu là quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng chưa đầy đủ chặt chẽ, năng lực quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ chưa tốt; nhiều cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định. Công tác thanh kiểm tra, giám sát của NHNN còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết Chính phủ đã bàn rất kỹ, và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.