Tại phiên thảo luận, bên cạnh việc đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm… các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh hoạt động giám sát, chất lượng làm luật và chất lượng đại biểu Quốc hội.
Trong phiên thảo luận, có 26 ý kiến góp ý, thảo luận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại hội trường đối với dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII (2011-2016). Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, nhất là việc ban hành Hiến pháp 2013, thông qua tổng cộng 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh.
Các đại biểu khẳng định, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Cũng đánh giá về công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, đại biểu Huỳnh Nghĩa - đoàn Đà Nẵng cho biết, thẳng thắn, công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa khoa học. Một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật, hay Quốc hội thông qua rồi dư luận không chấp nhận, phải sửa lại. Vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm?”, do đó, thời gian tới, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi luật không đi vào cuộc sống.
Đại biểu Trương Thị Huệ, đoàn Thái Nguyên cho rằng: “Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát nhưng có những đoàn giám sát còn hình thức, chưa chú trọng, chưa kết hợp với giám sát việc cụ thể. Do đó, hiệu quả từ kết quả giám sát còn bị hạn chế. Cử tri thường mong muốn sau mỗi cuộc giám sát, bên cạnh việc đề nghị, kiến nghị về chính sách pháp luật, về tổ chức thực hiện thì phải chỉ ra được những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giám sát, như vậy giám sát mới toàn diện, mới nghiêm minh, sâu sắc, rõ ràng”.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên cho biết thêm, trong nhiều trường hợp, người dân quan tâm đến việc giải quyết những bức xúc cụ thể, quan tâm tới những phản ánh, kiến nghị cụ thể được Quốc hội, Đại biểu Quốc hội xem xét, giải quyết như thế nào? Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát cấp cao của Quốc hội, của các cơ quan thuộc Quốc hội đã có cơ chế rõ ràng, nhưng hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội hiện nay chưa được phát huy, (do cơ chế chưa rõ). Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới cần giải quyết tốt cả giám sát vấn đề cụ thể và giám sát của đại biểu Quốc hội.
Về chất lượng đại biểu Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà nước và nhân dân đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt những điều mà cử tri mong đợi, kỹ năng hoạt động còn hạn chế, chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội, chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp, có phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, có đại biểu vi phạm pháp luật, gây mất niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri…
Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách, hạn chế tối đa đại biểu kiêm nhiệm trong nhiệm kỳ tới: “Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng tỷ lệ đại biểu quốc hội có năng lực, trình độ góp phần bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đại biểu quốc hội chuyên trách thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của quốc hội, các cơ quan của quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội”.