Ông Lê Quốc Việt – Giám Công ty Santa Việt Nam đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề trên.
Nhiều doanh nghiệp đối diện khó khăn mới do thiếu hụt lao động |
Sau làn sóng dịch Covid-19, thị trường lao động đã bị ảnh hưởng rất lớn. Ông có đánh giá gì về thực trạng thị trường lao động hiện tại?
Nếu như đợt dịch bùng phát tại Bắc Ninh hay Bắc Giang, chính quyền địa phương đã có sự kiểm soát dịch nhanh và tốt, nhờ đó các cụm khu công nghiệp ở phía Bắc khôi phục hoạt động nhanh, nhưng đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến tình hình sản xuất tại nhiều nhà máy, khu công nghiệp quy mô ở các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… rơi vào khủng hoảng. Có nơi thu hẹp quy mô để duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến”; nơi không đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định phải ngừng sản xuất, đóng cửa… người lao động vì thế mà bị ảnh hưởng không nhỏ, từ việc làm cho đến thu nhập, chưa kể lệnh “giới nghiêm” kéo dài 3 tháng liền khiến nhiều người bị khủng hoảng thu nhập, tinh thần.
Sau làn sóng dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có dệt may, da giày và chế biến thủy hải sản là ba nhóm ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trước dịch bệnh. Cụ thể, có đến 70% doanh nghiệp chế biến thủy hải sản bị đóng cửa do không thể áp dụng “3 tại chỗ” - 35% doanh nghiệp ngành dệt may cũng chịu cảnh tương tự; hàng triệu lao động khu vực phía Nam phải làm việc trong điều kiện giãn cách hoặc “nằm nhà” không thu nhập do mất việc làm.
Có thể nói, cho đến hiện tại đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp sâu, rộng đến thị trường lao động việc làm trên phạm vi cả nước, thậm chí nguy cơ sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng lao động chưa từng có, tạo chênh lệch đến thừa hay thiếu hụt lao động tại các vùng miền thời gian tới.
Ông Lê Quốc Việt – Giám Công ty Santa Việt Nam |
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19, đây là cơ hội để doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, theo ông tình hình thiếu hụt lao động sẽ gây trở ngại như thế nào cho doanh nghiệp?
Do lo sợ dịch bệnh cộng với điều kiện sống khó khăn nhiều tháng liền khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng tâm lý, tinh thần, nhất là lao động xa quê ở trọ đợi việc. Vì thế, nhiều người đã lựa chọn hồi hương.
Tuy nhiên, ngay khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp lại đối diện nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, các hoạt động sản xuất sẽ khó triển khai, điều này sẽ kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, cung ứng. Và nếu không được giải quyết sớm, doanh nghệp dễ rơi vào cảnh kiệt quệ, phá sản vì không thể hoàn thành đơn hàng cũ và tiếp nhận đơn hàng mới.
Đây cũng là nguy cơ có thể làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, cũng như làm suy giảm sức cạnh trạnh trong thu hút FDI cho các tỉnh phía Nam, đồng thời tăng áp lực thừa lao động tại các tỉnh phía Bắc - Trung và miền Tây vì khả năng cao, những người di cư, lao động sẽ sống gần nhà và tìm việc ngay tại đó thay vì mạo hiểm trở lại các vùng trọng điểm công nghiệp. Từ đó cũng sẽ dẫn đến nghịch lý tỷ lệ người thất nghiệp rất cao nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lại không thể tuyển được công nhân, nhân lực. Trước thực trạng này cơ quan chính quyền cần phải có các giải pháp căn cơ sớm nhất có thể.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông có đề xuất nào để doanh nghiệp tuyển dụng, tránh thiếu hụt lao động cũng như người lao động tìm được việc làm thời gian tới?
Theo dự kiến sẽ có khoảng 60-70% người lao động di cư có nguyện vọng trở lại làm việc sau khi dịch ổn định. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương cần tạo điều kiện để họ nhanh nhất có thể ổn định việc làm và chỗ ở, sinh hoạt, tránh tạo tâm lý lo sợ viễn cảnh giãn cách một lần nữa. Để làm được điều này cần một vài chính sách cụ thể và thiết thực.
Cùng với đó là nỗ lực “giữ chân” lao động cũ của doanh nghiệp như: Hỗ trợ phương tiện đón người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc khi có nhu cầu; giới thiệu việc làm, chỗ ở phù hợp với nguyện vọng và khả năng của từng người; hỗ trợ chi trả lương ngừng việc cho lao động không thực hiện “3 tại chỗ”; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm trực tuyến, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số để thu hút lao động mới ứng tuyển…
Ngoài ra, cùng với địa phương, doanh nghiệp cần nỗ lực tìm kiếm nguồn cung vaccine để ưu tiên tiêm cho người lao động, tổ chức xét nghiệm Covid-19 miễn phí định kỳ theo quy định, tạo mới chính sách bảo hiểm có bao gồm trường hợp mắc Covid-19 cho công nhân…
Được biết, hiện hệ sinh thái tuyển dụng lao động, việc làm của Santa Việt Nam đang mở chiến dịch “Ba sẵn sàng” tạo cầu nối việc làm cho người lao động cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tuyển dụng lao động?
Ý thức trách nhiệm với cộng đồng nhân sự nghề cùng với mong muốn cùng doanh nghiệp bùng nổ sản xuất sau dịch, Santa Việt Nam luôn nỗ lực hỗ trợ cả phía doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm việc bằng những “ưu đãi” kịp thời và thiết thực nhất.
Hiện tại, trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp vì thiếu hụt lao động cũng như nhiều người lao động bị mất việc làm nên chúng tôi đã triển khai chiến dịch “Ba sẵn sàng” kêu gọi người lao động có nhu cầu tìm việc làm, có thể đi làm ngay đăng ký vào danh sách lao động dự bị trên website vieclamnhamay.vn. Theo đó, sau khi người tìm việc đăng ký hệ thống sẽ tổng hợp và chuyển đến nhà tuyển dụng cần người phù hợp. Chủ trương của chúng tôi là bất cứ ai, kể từ công nhân, lao động phổ thông cho đến kỹ sư, quản lý nhà máy hay nhân viên văn phòng có như cầu tìm việc làm đều có thể đăng ký “chờ việc” tại vieclamnhamay.vn.
Đặc biệt, phía doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cũng có thể đăng ký với chúng tôi để tiết kiệm thời gian và chi phí tìm kiếm người phù hợp. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phía Nam đăng tuyển và tìm kiếm ứng viên miễn phí trên web để sớm hồi phục sản xuất.
Trên nền tảng website vieclamnhamay.vn nhà tuyển dụng và người lao động đều có thể đăng ký, tương tác với nhau; đồng thời đây cũng là cơ sở rất tốt để hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nắm bắt các nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để từ đó có những chính sách, hành động phù hợp, tránh xảy ra các hiện tượng ồ ạt hồi hương tự phát khó kiểm soát, gây khủng hoảng thiếu lao động cho doanh nghiệp như vừa qua.
Xin cảm ơn ông!