Sâm Ngọc Linh được gọi là “Quốc bảo” của Việt Nam, được phân bố ở khu vực rừng núi cao ở Kon Tum và Quảng Nam, có tác dụng tốt trong việc bồi bổ sức khỏe, gia tăng tuổi thọ. Vì vậy, giá của loại sâm này khá đắt, mỗi kg có giá từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng, tùy từng loại. Lợi dụng giá trị cao của sản phẩm, thời gian qua, một số đối tượng đã thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc có hình dáng gần giống với sâm Ngọc Linh từ miền núi phía Bắc... rồi vận chuyển ngược lên “thủ phủ” sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán; hay như làm giả logo, nhãn hiệu các đơn vị cung cấp sản phẩm sâm Ngọc Linh uy tín trên thị trường để lừa người mua.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Kon Tum đã phối hợp với lực lượng công an bắt giữ vụ vận chuyển sâm Ngọc Linh giả ngay tại “thủ phủ” sâm thật. Phải mất 2 tháng mật phục, theo dõi, nắm quy luật hoạt động, lực lượng chức năng đã phát hiện xe khách chạy từ phía Bắc vào. Khi đến địa bàn huyện Đắk Tô đã bỏ xuống 3 thùng xốp, bên ngoài ghi "hoa phong lan Đắk Tô" và không có địa chỉ người gửi, người nhận. Kiểm tra 3 thùng xốp, lực lượng chức năng phát hiện có 2 kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ, để tư thương lừa người mua khi nói đây là sâm Ngọc Linh gãy do dân mót được trên rừng. Đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đắk Tô đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để lừa bán cho người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện hàng trăm chai rượu ngâm sâm Ngọc Linh giả |
Trước đó, Đội cũng phát hiện 7 thùng rượu với 112 chai rượu giả thương hiệu sâm Ngọc Linh tại Khối phố 8, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Tất cả số rượu trên còn nguyên chai, đựng trong hộp mang nhãn hiệu rượu lá sâm Ngọc Linh, địa chỉ sản xuất tại số 426/31, đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Mở rộng điều tra vụ việc, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Nam kiểm tra cơ sở trên thì phát hiện thêm hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Tất cả số hàng trên không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Không chỉ có sâm, ngay cả đông trùng hạ thảo – một loại thực phẩm quý cũng được bán tràn lan trên thị trường, với đa dạng các loại, từ tươi, sấy khô đến đã qua bào chế. Giá cũng tùy từng loại, đối với đông trùng hạ thảo được nuôi trồng trong nước, giá “mềm” hơn, có loại chỉ 280.000 - 350.000 đồng/10gr, nhưng cũng có loại lên tới 1,2 - 2 triệu đồng/10gr; hàng nhập khẩu còn cao hơn nhiều, lên tới 10 triệu đồng/10gr, thậm chí hàng tỷ đồng 1 kg. Đắt đỏ là vậy, song mặt hàng này cũng rất khó phân biệt thật, giả mà không phải loại đông trùng hạ thảo nào cũng có các hoạt chất như nhau.
Một mặt hàng lạ, hiếm khác cũng được người tiêu dùng cũng “ưa chuộng” trong thời gian qua đó là nhụy hoa nghệ tây, sản phẩm này được bày bán khá tràn lan, với đủ mọi loại giá, có loại giá lên tới 400 -650 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều cơ sở lợi dụng sản phẩm có giá trị cao, đã làm giả bằng cách nhuộm hóa chất để tạo màu…
Trước “ma trận” các mặt hàng dược liệu quý, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tìm mua ở địa chỉ bán hàng uy tín, có giấy tờ kiểm định dược chất, tránh tiền mất tật mang.