Đà Nẵng: Ngành Công Thương phải đi đầu về chuyển đổi số Đà Nẵng: Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch |
Tổ công nghệ số cộng đồng thúc đẩy chuyển đổi số từ cơ sở
Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ dễ dàng, thiết thực, vì vậy, thành phố đã nhanh chóng thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số từ cơ sở.
Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng Đà Nẵng tập huấn kỹ năng hỗ trợ chuyển đổi số cho người dân |
Các tổ công nghệ số sẽ hướng dẫn người dân cách truy cập các cổng thông tin điện tử thành phố, quận, huyện, xã phường; sử dụng tài khoản công dân số, sử dụng các ứng dụng để thanh toán các khoản hóa đơn,…
Đang sử dụng điện thoại thông minh để đọc báo hàng ngày, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tám (62 tuổi, tổ 40, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) vẫn chưa biết cách để tìm các thông tin và sử dụng các dịch vụ, tiện ích như bảo hiểm xã hội số, tài khoản ngân hàng, tra căn cước công dân hay thanh toán các khoản hóa đơn bằng tài khoản điện tử. “Vừa rồi, khi ra phường có công việc, tôi đã được các đoàn viên, thanh niên của phường hướng dẫn sử dụng các tiện ích. Tuy chưa thành thạo lắm nhưng hiện tôi cũng đã cơ bản biết sử dụng các tiện ích trực tuyến mà không phải đến trực tiếp nơi giao dịch nữa. Rất thuận lợi cho tôi và người dân”, ông Tám chia sẻ.
Là phường được chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số từ năm 2021, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đã đồng bộ triển khai chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, từng bước xây dựng mô hình chính quyền số, công dân số. Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Trưởng ban Tuyên giao Quận ủy Sơn Trà (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ) cho biết, phường Phước Mỹ đã có 19 tổ công nghệ số cộng đồng tại 19 khu dân cư với 150 thành viên. Phường cũng khảo sát các nội dung các thông tin cơ bản về thu nhập trung bình/người hoặc hộ, số lượng doanh nghiệp, số lượng hộ kinh doanh, số hộ dân có máy tính, số hộ dân có kết nối internet (máy tính; 3G, 4G cho điện thoại di động); tên các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, mang thương hiệu địa phương, các nhóm zalo xã kết nối với hộ tổ dân phố và các tổ chức dưới phường, tới từng hộ dân... làm cơ sở xây dựng thành công chuyển đổi số, trước hết là chuyển đổi số trong cải cách hành chính.
Theo ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Đà Nẵng, các tổ công nghệ số cộng đồng là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ thành phố đến phường, xã. Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng tập trung đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền đến người dân về các chủ trương, đường lối liên quan đến chuyển đổi số.
“Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, 100% xã phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Cụ thể, toàn thành phố có gần 5.500 tổ công nghệ số cộng đồng bới gần 13.000 thành viên. Trong đó, đoàn viên thanh niên và nhân lực doanh nghiệp công nghệ số là nòng cốt”, ông Trần Ngọc Thạch thông tin.
Đến năm 2025, 100% dân số trưởng thành của Đà Nẵng có tài khoản công dân số
Bên cạnh thúc đẩy chuyển đổi số thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, để hình thành Công dân số - hợp phần quan trọng của các lĩnh vực Xã hội số, Kinh tế số và Chính quyến số, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Nền tảng Công dân số My Portal (tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn hoặc https://myportal.danang.gov.vn và tích hợp trên app DaNang Smart City).
Mỗi người dân thành phố Đà Nẵng sẽ có 1 mã QR Code để sử dụng giao dịch các ứng dụng điện tử hàng ngày như thanh toán điện nước, y tế, giáo dục, ngân hàng.... |
Nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng bao gồm Hồ sơ công dân số; tích hợp các dịch vụ, tiện ích, thông tin của chính quyền, doanh nghiệp mà người dân là người sử dụng dịch.
Tại nền tảng Công dân số, thông tin và tài liệu, dữ liệu số do người dân khai ban đầu và tự động tích hợp, đồng bộ từ các tài liệu, dữ liệu liên quan trong quá trình người dân sử dụng dịch vụ. Người dân quản lý và sử dụng thông tin và tài liệu, dữ liệu số này để sử dụng dịch vụ tiếp theo, không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong Kho; nhận kịp thời các thông tin, hướng dẫn, thông báo cụ thể của chính quyền.
Mỗi người dân có 01 QR code duy nhất (theo chuẩn quốc gia), đại diện cho Hồ sơ công dân số để người dân sử dụng trong các giao dịch thực hiện hằng ngày của mình (vào/ra nơi làm việc, thực hiện các dịch vụ với chính quyền và doanh nghiệp: điện, nước, môi trường, y tế, giáo dục, ngân hàng,...).
Trong hồ sơ công dân số của mình, người dân sẽ được cung cấp đa dạng hầu hết các dịch vụ, tiện ích, thông tin của Chính quyền và doanh nghiệp mà ngươi dân là người sử dụng dịch vụ.
Thông tin của người dân được bảo mật theo mô hình 04 lớp do Bộ Thông tin & Truyền thông quy định; xác thực đăng nhập sử dụng qua OTP (tương tự như các Ngân hàng đang áp dụng cho khách hàng giao dịch thanh toán).
Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, sau thời gian sử dụng thí điểm, đến nay, Nền tảng Công dân số thành phố đã có hơn 240.000 tài khoản/kho dữ liệu công dân số (bao gồm kế thừa 180.000 tài khoản công dân điện tử người dân đã khai trước đây trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến), chiếm khoảng 40% dân số trưởng thành. “Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu 100% dân số trưởng thành sẽ có tài khoản công dân số vào năm 2025”, ông Trần Ngọc Thạch cho hay.
Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân tại thành phố Đà Nẵng hiện là 2,27 (so với cách đây 01 năm là 2,0); trong khi tỷ lệ trung bình toàn quốc là 0,7 (Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ này là 3). |