Thanh Hóa: Tạm dừng khai thác mỏ đá vì phát hiện hang động Thanh Hóa: Xử lý nghiêm tình trạng khai thác tận diệt thủy sản |
Ngày 19/4/2024, Báo Công Thương có bài viết: “Thanh Hóa: Xử lý nghiêm tình trạng khai thác tận diệt thủy sản”. Nội dung bài báo phản ánh về việc thời gian gần đây, trên sông Lạch Trường, đoạn qua thôn Nam Huân (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện một số tàu cá đánh bắt thủy sản bằng hình thức giã cào (hình thức bị cấm), có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thủy sản.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung mà Báo Công Thương phản ánh.
Phát hiện nhiều tàu giã cào khai thác thủy sản trái quy định. (Ảnh: QH) |
Qua kết quả kiểm tra, xác minh của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, sáng ngày 20/4/2024 Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND các huyện Hoằng Hóa, huyện Hậu Lộc, xã Hoằng Trường, xã Hải Lộc, Đồn Biên phòng Hoằng Trường, Đồn Biên phòng Đa Lộc xác minh thông tin và nắm bắt thực tế về nội dung trên.
Qua ý kiến trao đổi của đại diện Đồn Biên phòng Hoằng Trường, Đồn Biên phòng Đa Lộc và của một số người dân xã Hoà Lộc thì hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo (giã cào) như Báo Công Thương phản ánh là đúng.
Các hoạt động khai thác trên bắt đầu từ ngày 16/4/2024 với khoảng 6 tàu cá ở xã Hòa Lộc; Hải Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hoá; sản lượng khai thác mỗi ngày trung bình khoảng 3-4 tấn/tàu, đối tượng bị khai thác chủ yếu là loài vẹm.
Ngày 17/4/2024 khi phát hiện hoạt động khai thác vi phạm, Trạm Thủy sản Hòa Lộc phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc, Đồn Biên phòng Hoằng Trường và chính quyền địa phương, lực lượng Công an xã tại các địa bàn trên tổ chức tuần tra, kiểm soát dọc sông, nhưng các phương tiện làm nghề trên không hoạt động. Từ ngày 18 đến ngày 21/4/2024 hiện tượng khai thác trên không tái diễn.
Cơ quan chức năng xác định có 6 tàu khai thác thủy sản trái phép, sản lượng khai thác mỗi ngày trung bình khoảng 3-4 tấn/tàu. (Ảnh: QH) |
Tuy nhiên, đến sáng ngày 22/4/2024, qua theo dõi của Trạm Thuỷ sản Hoà Lộc và Biên phòng Đa Lộc phát hiện khoảng 7 phương tiện bè luồng đang khai thác bằng thủ công cho người dùng ống lặn xuống để cào bằng tay nhuyễn thể (vẹm) vào túi và đưa lên bè để đi tiêu thụ.
Sau khi phát hiện lực lượng liên ngành gồm chính quyền xã Hoà Lộc; Trạm Thuỷ sản Hoà Lộc; Đồn Biên phòng Đa Lộc thuê phương tiện đi kiểm tra. Kết quả kiểm tra có 05 phương tiện bè thuộc xã Quảng Nham- Quảng Xương; 02 phương tiện thuộc xã Diễn Bích, Diễn Ngọc – Diễn Châu - Nghệ An đang khai thác bằng hình thức trên. Đoàn liên ngành đã mời 07 phương tiện trên về Cảng cá Hoà Lộc để làm việc.
Tuy nhiên, do tính chất, mức độ ít nghiêm trọng, bản thân các chủ bè mảng nhận thức được hành vi của mình, phối hợp với cơ quan chức năng; đây cũng là vi phạm lần đầu, chưa gây thiệt hại, bè mảng đã cũ và cũng là phương tiện mưu sinh nên lực lượng chức năng đã yêu cầu không được vào khu vực trên khai thác, nếu tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Để ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản trái quy định, dẫn đến nguy cơ tận diệt, cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa sẽ thành lập Đoàn kiểm tra, điều động tàu công vụ sang phối hợp với lực lượng Biên phòng Đồn Đa Lộc, chính quyền địa phương các xã Hòa Lộc, Hải Lộc duy trì nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực sông Lạch Trường.
Đồng thời, Trạm Thủy sản Hòa Lộc tiếp tục phối hợp với các Đồn biên phòng tuyến biển và chính quyền các xã Hòa Lộc, Hải Lộc, xã Hoằng Yến, Hoằng Trường tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu cá, ngư dân tại khu vực này thực hiện đúng quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng tàu nghề giã kéo, các nghề cấm vào khai thác tại các cửa sông, ven biển theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nếu phát hiện các trường hợp đánh bắt thủy sản tận diệt phải cương quyết xử lý nghiêm.