Nghệ An: Nam sinh 13 tuổi tử vong trong bể bơi nhà trường Thanh Hóa: Biểu dương công dân dũng cảm cứu 2 cháu đuối nước giữa dòng nước xiết |
Nỗi lo đuối nước ở trẻ khi hè về
Tai nạn thương tích, đuối nước luôn là nỗi lo của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, vào mỗi dịp nghỉ hè, tình trạng đuối nước lại xảy ra ở nhiều trẻ em.
Một vụ đuối nước xảy ra ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 4/2024 khiến 1 học sinh lớp 12 tử vong. (Ảnh TP) |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong công tác phòng, chống đuối nước, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2023, sở đã xây dựng phóng sự về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; treo 80 băng-rôn tuyên truyền về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các trục đường chính, khu vực tập trung đông người.
Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với các nhà mạng (MobiFone, Viễn thông Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa) gửi tin nhắn SMS để truyền tải thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, nội dung: “Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em: Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước để phòng tránh đuối nước” đến hơn 3 triệu thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh; sản xuất, lắp đặt 60 biển báo, biển cấm những nơi nguy hiểm tại cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Ngoài ra, Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em 420 cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em (nội dung về: Quản lý nhà nước về trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các nội dung liên quan đến trẻ em); tổ chức 24 lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho 1.560 người là cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em về bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thực hiện quyền tham gia trẻ em.
Phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc duy trì và triển khai thực hiện 2 mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”; hỗ trợ 5 huyện tổ chức 5 lớp dạy bơi an toàn cho 100 trẻ em (01 lớp/huyện; 20 trẻ/lớp, 15 buổi/lớp).
Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương triển khai lớp học bơi an toàn cho trẻ em để phòng, chống đuối nước. (Ảnh TTV) |
Chị Lê Thị Hải, trú tại xã Minh Tân, huyên Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhà tôi có 2 cháu đang học tiểu học, chuẩn bị vào đợt nghỉ hè, gia đình tôi đã chuẩn bị để các cháu tham gia lớp tập bơi cho các cháu có kỹ năng phòng chống đuối nước. Bơi cũng là môi trường tốt để các cháu phát triển thể lực. May mà huyện tổ chức các lớp tập bơi để các cháu có sân chơi dịp hè, chứ để các cháu ra sông, hồ thì gia đình nào cũng lo nơm nớp".
Triển khai các giải pháp phòng, chống đuối nước
Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em trong năm 2024, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức 24 lớp tập huấn, truyền thông tại cộng đồng cho các bậc cha mẹ, cộng tác viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em (đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em); sản xuất, lắp đặt 60 biển cảnh báo, biển cấm những nơi nguy hiểm tại cộng đồng nhằm hỗ trợ cải tạo môi trường tại cộng đồng; hỗ trợ duy trì Mô hình "Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em" (02 mô hình tại 02 xã thuộc huyện Vĩnh Lộc); hỗ trợ 5 huyện tổ chức 5 lớp dạy bơi an toàn cho 100 trẻ em (01 lớp/huyện; 20 trẻ/lớp, 15 buổi/lớp).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp của tỉnh Thanh Hóa trong công tác phòng, chống đuối nước mùa hè năm 2024, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống tai tai nạn đuối nước cho trẻ em; thường xuyên cảnh báo về các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giám sát trẻ em, nhất là trong dịp hè.
Những năm qua, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa có nhiều nỗ lực tham mưu cho tỉnh triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống đuối nước ở trẻ em vào dịp hè. (Ảnh TTV) |
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông, bãi tắm, các khu vực thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em để có biện pháp chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em; lập bản đồ cảnh báo nguy cơ đuối nước; lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước trẻ em; làm rào chắn đối với các ao, hồ tại cộng đồng dân cư, các công trình công cộng.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tích cực huy động, vận động các cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi cho trẻ em và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo vệ an toàn cho trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em.
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 5 năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong 15 trẻ em, trong đó có 7 vụ tai nạn đuối nước làm 9 trẻ tử vong. Trong năm 2023 (tính đến tháng 11/2023), trên địa bàn tỉnh cũng có 27 vụ tai nạn đuối nước làm 31 trẻ tử vong.