Khung cảnh nhộn nhịp, người xây dựng nhà, người khai hoang phát triển kinh tế đã biến mất, giờ đây Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng chỉ còn những căn nhà bỏ hoang, xập xệ, dột nát. |
kỳ vọng lớn - thất vọng nhiều
Năm 2008, Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được phê duyệt và triển khai trên diện tích 600ha tại xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Dự án do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa phụ trách, quản lý với mục tiêu là đưa nhiều thanh niên trong tỉnh lên đây khởi nghiệp. Với sức trẻ và sự cần mẫn của họ sẽ góp phần làm thay đổi kinh tế - xã hội ở một vùng đất nghèo khó của huyện Như Xuân.
Sau khi công bố tuyển người, dự án đã tuyển được 141 hộ, trong đó có 34 hộ thuộc diện tái định cư tại chỗ (tiền thân là công nhân Lâm trường Sông Chàng). Với định mức, mỗi hộ khi tham gia dự án sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3ha đất sản xuất cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Khi đó, anh Lương Văn Tiến là một trong số 107 đoàn viên, thanh niên cùng với 34 hộ là công nhân lâm trường Sông Chàng thuộc diện tái định cư tại chỗ với quyết tâm biến vùng đất mệnh danh là “chảo lửa” của Như Xuân thành vùng kinh tế phát triển.
Anh Tiến nhớ lại, những ngày đầu tiên ở vùng đất mới là khung cảnh nhộn nhịp, người xây dựng nhà, người khai hoang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp… không ai nghĩ rằng, sau ngần ấy năm, giờ đây khung cảnh ấy đã không còn mà thay vào đó là cảnh hoang tàn, vắng vẻ.
“Đau xót nhất khi cả con ngõ có 15 hộ dân là thanh niên, đoàn viên sinh sống “tối lửa, tắt đèn có nhau”, giờ đây chỉ còn lại gia đình tôi sinh sống. Những ngôi nhà hoang xuống cấp, xập xệ, dột nát là những gì mà mỗi ngày tôi đang chứng kiến”, anh Tiến bùi ngùi.
Thanh niên đóng cửa, rời làng ra đi tìm nơi phát triển kinh tế mới. (Ảnh: QH) |
Không chỉ ngõ B, nơi gia đình anh đang sinh sống, mà ngõ D kế bên với những ngôi nhà cạnh nhau trên con đường bê tông trải dài hàng trăm mét, giờ không còn một hộ dân nào sinh sống. Những ngôi nhà ấy từng là nơi trở về, nơi ấp ủ bao hoài bão của thanh niên một thời không ngờ lại xác xơ, tiêu điều như vậy.
“Thanh niên “dứt áo” rời làng có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là thời tiết khắc nghiệt nên nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp chậm lớn, năng suất hiệu quả không như kỳ vọng”, anh Tiến nói.
Đối với nhiều thanh niên ở làng, khó nhất là không có vốn để đầu tư, tái sản xuất do khó vay vốn được ngân hàng. Nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện chỉ để làm công trình nước sạch.
Đặc biệt, mặc dù đã 16 năm trôi qua nhưng đến nay các hộ dân trong làng thanh niên lập nghiệp vẫn chưa có sổ đỏ, nhiều người dân sinh sống dần rời làng đi tìm vùng đất mới để phát triển kinh tế.
làm sao để thanh niên vẫn bám làng lập nghiệp?
Ước mơ làm giàu hiện đang bị vùi chôn dưới tán cây rừng. (Ảnh: QH) |
Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân) chia sẻ, năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao cho xã Xuân Hòa quản lý nhân khẩu của làng thanh niên và thành lập thôn Thanh Niên trên cơ sở cụm dân cư Làng thanh niên Sông Chàng.
“Danh sách các hộ dân của làng thanh niên là 141 hộ. Tuy nhiên mới đây khi làm hộ khẩu VNeID thì chỉ có 90 hộ ở làng. Trong đó, có 67 hộ ở thường xuyên, 23 hộ không thường xuyên, 51 hộ chưa có hộ khẩu VNeID”, ông Tuyên cho biết.
Nói về thanh niên lập nghiệp rời làng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa lý giải, hình ảnh những ngôi nhà bỏ hoang không hiếm thấy nơi này, một phần đi làm ăn xa, một số chỉ về làng theo thời vụ để thu hoạch, làm vườn.
Ban đầu làng thanh niên có 141 hộ, trong đó có 107 hộ là thanh niên đến từ nhiều địa phương trong tỉnh, số còn lại 34 hộ thuộc diện tái định cư tại chỗ. Sau nhiều năm thành lập làng, nhưng các hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ, điều này khiến người dân gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế.
Những căn nhà bị bỏ hoang, xập xệ (Ảnh: QH) |
Còn ông Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trải qua 5 đời Bí thư Tỉnh đoàn, dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đến nay về cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh và dự kiến vào cuối năm 2024 làng thanh niên lập nghiệp sẽ về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đến nay là vẫn chưa cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp dù dự án được triển khai từ năm 2008.
Lý do dẫn đến sự chậm trễ trong cấp sổ đỏ do trong thời gian triển khai dự án, nhiều cán bộ Tỉnh đoàn trực tiếp phụ trách làng đã chuyển công tác nên cũng ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo thực hiện dự án.
Ông Châu cho biết thêm, kể từ khi thành lập làng thành lập đến nay, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã nhiều lần rà soát danh sách các hộ dân và phát hiện một số thanh niên lên ở làng rồi nhưng không ở thường xuyên. Do đó, Tỉnh đoàn đã thu hồi nhà, tuyển bổ sung và dành ưu đãi cho những thanh niên có nhu cầu ở thực.
Đồng thời trong thời gian tới sẽ đánh giá toàn diện Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, khắc phục những vướng mắc khó khăn của các hộ dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế đúng như ý nghĩa ban đầu của dự án.
Hy vọng rằng, thời gian tới Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng sẽ lại là nơi an cư dành cho thanh niên (Ảnh: QH)
Quốc Huy |