Nghệ An: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 tăng 9,17% Ninh Bình: Triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp |
Doanh nghiệp thích ứng linh hoạt trước biến động của thị trường
Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh này ước tăng 20% so với cùng kỳ. Đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn duy trì tốt hoạt động sản xuất, bắt đầu thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường.
Đánh giá về tình hình sản xuất trong quý I/2024, ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tuy bị ảnh hưởng bởi đợt nghỉ Tết Nguyên Đán và tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục bất ổn; trong đó tập trung vào các nguyên nhân: Hoạt động đầu tư chậm chạp, kéo dài nên số lượng dự án chấp thuận mới, dự án đi vào hoạt động ít; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho sản xuất khó khăn do biến động thương mại quốc tế và điều chỉnh chính sách của thị trường xuất nhập khẩu.
Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước tăng 20% so với cùng kỳ. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp nối đà hồi phục từ cuối năm 2023, có dấu hiệu khởi sắc ngay trong những tháng đầu của năm mới 2024. Đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh duy trì tốt hoạt động sản xuất, thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường; các doanh nghiệp có đặc điểm sản xuất đặc thù, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thủy điện, nhiệt điện, xi măng, gạch ceramic, đường, sữa… bố trí lao động, duy trì sản xuất xuyên Tết.
Trong quý I/2024, đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2023, điển hình là các sản phẩm như: Điện sản xuất, điện thương phẩm, dầu nhiên liệu, xăng các loại, quần áo may sẵn, giày thể thao, giấy bìa… Bên cạnh đó vẫn còn một số ít sản phẩm giảm so với cùng kỳ do chưa khắc phục triệt để các khó khăn từ các năm trước như: Bia, ô tô tải, tinh bột sắn...
Ngoài ra, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống phát triển ổn định, sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu được nhu cầu thị trường. Tình hình cấp điện trên địa bàn tỉnh ổn định hơn hẳn các tháng cùng kỳ của các năm trước đây, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân. Điện năng thương phẩm 03 tháng đầu năm dự kiến đạt 1,674 tỷ kWh, tăng 10,05% so với cùng kỳ.
Tăng tốc, bứt phá và về đích
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa xác định là năm “tăng tốc, bứt phá và về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa xác định, phát triển sản xuất công nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí lao động, duy trì sản xuất xuyên Tết Nguyên đán 2024. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2024, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 14,9% trở lên. Theo đó, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và thực hiện 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đã được xác định. Cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; Công nghiệp - Xây dựng tăng 14%; Dịch vụ tăng 9,2%...
Trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đều đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và đồng bộ; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo đột phá phát triển đô thị và công nghiệp tập trung.
Trong tháng I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Thanh Hoá đã có bước phục hồi tích cực với mức tăng trưởng 43,48% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu cũng tăng trưởng ấn tượng với trên 631 triệu USD, tăng 9,3% so với tháng trước và tăng 94,3% so với cùng kỳ.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Nhận định về mục tiêu giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 14,9% trở lên trong năm 2024, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho rằng: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng tối thiểu 14,9% trong năm 2024 là con số có cơ sở, tỉnh Thanh Hóa sẽ hoàn thành và có khả năng sẽ vượt.
Với mục tiêu đó, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương; tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu với công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo là đột phá. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất; tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư, thức ăn chăn nuôi, phân bón phục vụ nông nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới có thị trường tiêu thụ tốt, bền vững.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành trước 2 năm nhiệm vụ 100% thôn, bản trên địa bàn có điện lưới quốc gia. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Chủ động, tích cực phối hợp rà soát, cập nhật đầy đủ các chủ trương, định hướng đề ra trong Quy hoạch điện VIII để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tạo cơ sở, tiền đề cho việc triển khai các dự án phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nguồn, dự án hạ tầng cấp điện theo quy hoạch được duyệt. Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá có tác động lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng các đề án kết nối doanh nghiệp sản xuất và phân phối, hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp.
Tập trung đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn thủ tục thành lập, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy cụm công nghiệp, chú trọng phát triển các cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý chợ; tiến độ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm được phân công phụ trách.