Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngành công thương tỉnh này đã chủ động, tích cực tham mưa nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tháo gỡ vướng mắc, triển khai có hiệu quả, sớm lấp đầy các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Theo số liệu của Sở Công Thương Thanh Hóa, đến ngày 15/4/2022, trên địa bàn tỉnh này đã quy hoạch phát triển 84 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 3.042,46ha. Trong đó, đồng bằng có 45 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.623,56ha; ven biển 17 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 675,2ha; miền núi 22 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 743,7ha.
Cụm công nghiệp Hậu Hiền vừa được Bộ Công Thương thống nhất bổ sung vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2025. Ảnh minh họa |
Do nhiều yếu tố khách quan, đến ngày 15/4/2022, toàn tỉnh mới triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đối với 36 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.293,75 ha. Trong đó, có 01 cụm công nghiệp Hà Dương do UBND huyện Hà Trung quản lý, còn lại 35 cụm công nghiệp là do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 1.268,35 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 8.903,59 tỷ đồng (lũy kế vốn đã đầu tư 1.516,7 tỷ đồng).
Đánh giá về việc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa - ông Phạm Bá Oai cho hay: Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn còn chậm bởi nhiều yếu tố.
Cụ thể, từ cuối năm 2019 đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến khó lường đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện đầu tư các cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp được thành lập có diện tích sử dụng đất lúa lớn hơn 10ha, phải xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất; hồ sơ xin ý kiến Thủ tướng phải thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh nên thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 10/7/2018, thời gian hoàn thiện hồ sơ và thủ tục là 12 tháng sau khi được thành lập cụm công nghiệp. Tuy nhiên, khối lượng hồ sơ, thủ tục nhiều bao gồm: thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, thuê đất… nhất là công tác giải phóng mặt bằng thường rất khó khăn, nên không đủ thời gian để chủ đầu tư thực hiện các hồ sơ thủ tục đúng quy định, dẫn đến phải gia hạn nhiều lần.
Trong quá trình lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn một số huyện có sự thay đổi chức năng của một số cụm công nghiệp như: cụm công nghiệp Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa), chuyển thành đất thương mại dịch vụ; cụm công nghiệp Khe Hạ (huyện Thường Xuân) và cụm công nghiệp Hải Long (huyện Như Thanh), chuyển thành đất ở, dẫn đến việc triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp không thực hiện được.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hầu hết các cụm công nghiệp đều gặp khó khăn, làm kéo dài thời gian giao đất cho chủ đầu tư như: Cụm công nghiệp Tiến Lộc, Cụm công nghiệp Đông Văn, Cụm công nghiệp Điền Trung, Cụm công nghiệp Phúc Thịnh, Cụm công nghiệp Vạn Hà, Cụm công nghiệp Vĩnh Minh… thậm chí có cụm công nghiệp phải thực hiện cưỡng chế như: Cụm công nghiệp Bắc Hoàng Hóa.
Một số chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, không chuyển tiền kịp thời cho ban đền bù, giải phóng mặt bằng huyện, gây khó khăn cho huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng như: Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tam Linh (huyện Nga Sơn); Chủ đầu tư cụm công nghiệp Phúc Thịnh (huyện Ngọc Lặc). Đặc biệt, một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước để triển khai các hồ sơ, thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, phải điều chỉnh và gia hạn nhiều lần.
Tham mưu triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Trước những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Phạm Bá Oai cho hay, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2022, Sở đã tích cực chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đồng bộ sau đây:
Đối với chủ đầu tư, phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn |
UBND cấp huyện phải chỉ đạo ban giải phóng mặt bằng huyện hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng diện tích cụm công nghiệp; hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, hoàn thiện hồ sơ xin cấp thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích quyền sử dụng đất, thủ tục thuê đất với Nhà nước; hỗ trợ các chủ đầu tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp khi có yêu cầu; tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp.
Đối với các sở, ban, ngành, cần tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm; Sở Xây dựng hỗ trợ chủ đầu tư và cấp huyện trong công tác lập và phê duyệt chi tiết cụm công nghiệp; Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ chủ đầu tư và cấp huyện hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất và hồ sơ xin thuê đất, tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt; Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục đấu nối giao thông khi có yêu cầu; Sở Công Thương tiếp tục tham mưa cho UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tiến độ hoặc thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ.
Việc ngành công thương Thanh Hóa tham mưu, đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, đã và đang gỡ ra những nút thắt cho các chủ đầu tư. Mở ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, tạo nhiều ngân sách cho Nhà nước, góp phần giúp tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển công nghiệp trên địa bàn.