Nghệ An: Nhiều nhà máy nước sạch tiền tỷ 'đắp chiếu' Nhà máy Nước sạch Sông Đà lý giải nguyên nhân ngừng cấp nước |
Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn nước sạch, phục vụ sinh hoạt, nâng cao đời sống cho khoảng 70 nghìn dân của 19 xã thuộc 3 huyện là Nông Cống, Như Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng sau nhiều lần tái hồi gia hạn, nhà máy cấp nước này vẫn dậm chân tại chỗ. Sau hơn 4 năm, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi, còn chính quyền xã lo lắng bởi nguy cơ không đạt chuẩn nông thông mới nâng cao vì thiếu tiêu chí nước sạch.
Dân bức xúc, xã có nguy cơ không đạt nông thôn mới nâng cao
Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 02/01/2018. Địa điểm thực hiện dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông nằm tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống không có một bóng công nhân, máy móc thi công. Ảnh Hoàng Minh |
Theo đó, Nhà máy nước sạch này có công suất thiết kế 30.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho người dân 19 xã gồm các huyện: Nông Cống (13 xã), Như Thanh (03 xã), Thị xã Nghi Sơn (03 xã) tương đương với khoảng 70 nghìn dân. Dự án có tổng mức đầu tư 410 tỷ đồng, trên diện tích 35.000 m2, dự kiến hoạt động vào quý IV/2019.
Sau nhiều lần điều chỉnh, xin gia hạn, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam phải hoàn thành việc cấp nước sinh hoạt cho người dân trước tháng 9/2021. Tuy nhiên, sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho gia hạn, chủ đầu tư vẫn cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian thi công.
Anh Lê Văn Hùng, người dân xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống bức xúc: “Khi dự án được triển khai dân chúng tôi vui mừng bao nhiêu thì giờ lại thất vọng bấy nhiêu. Để có nước sạch sinh hoạt, người dân chúng tôi phải tự tìm cách lắng lọc nước sinh hoạt để đảm bảo sức khỏe. Chính quyền nên xem lại năng lực của nhà đầu tư”.
Còn chị Hoàng Thị Xuân công dân trên địa bàn xã Thăng Thọ than thở: “Chờ nhiều năm nay rồi mà trả thấy khả quan gì. Không biết chính quyền huyện rồi tỉnh có động thái gì không mà họ (chủ đầu tư-PV) cứ chây ỳ ra không thi công gì cả. Người dân chúng tôi mong muốn dự án sớm đưa vào hoạt động để có nước sạch sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống. Cứ kéo dài mãi thế năng đến bao giờ dân chúng tôi mới có nước sạch để dùng”.
Ông Phạm Quang Thuyên, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ lo lắng sẽ không đạt xã nông thôn mới nâng cao do thiếu tiêu chí nước sạch |
Làm việc với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Quang Thuyên, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, rồi huyện, người dân kiến nghị, mong muốn sớm có nước sạch để đảm bảo cuộc sống. Chúng tôi đã báo cáo những kiến nghị và mong muốn chính đáng của người dân lên huyện để yêu cầu chủ đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ dự án Hệ thống nước sạch cung cấp cho nhân dân trong vùng”.
“Việc Hệ thống nước sạch chậm tiến độ nhiều năm nay không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng, mà còn ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu đưa xã Thăng Thọ đạt nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022 do thiếu tiêu chí nước sạch”- ông Thuyên lo lắng.
Tỉnh chỉ đạo, chủ đầu tư vẫn dậm chân tại chỗ
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay Hệ thống nước Nông Cống chỉ mới xây dựng phần thô của nhà điều hành, còn các hạng mục khác như: Bể chứa nước, hệ thống lắng lọc, đường ống cấp nước… vẫn chưa được chủ đầu tư triển khai. Tại thời điểm phóng viên có mặt ngày 27/9/2022, công trình này có duy nhất một nhân viên bảo vệ, không một bóng dáng công nhân, máy móc thiết bị nào đang vận hành. Tất cả đều “án binh bất động”.
Được biết, UBND huyện Nông Cống cũng đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư và yêu cầu công ty phải thực hiện đúng cam kết về tiến độ dự án. Tuy nhiên những cam kết và hứa hẹn của chủ đầu vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trước những bức xúc của người dân, chính quyền địa phương, cuối tháng 8/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã có buổi kiểm tra tiến độ dự án Hệ thống nước Nông Cống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã yêu cầu: Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam khẩn trương huy động nhân lực, máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 6/2023 phải đưa nhà máy vào hoạt động. Nếu đến thời gian này, Nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc cấp nước sạch cho người dân trong vùng sẽ được chuyển cho đơn vị khác đảm nhận.
UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem lại năng lực của nhà đầu tư |
Để có thông tin đa chiều, phóng viên Báo Công Thương liên hệ với chủ đầu tư nhằm nắm bắt những vướng mắc ở dự án Hệ thống nước Nông Cống. Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Hoàng Nam Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Môi trường Việt Nam cho biết: “Tôi đang đi khám bệnh ở Hà Nội. Chúng tôi cũng xót ruột, cố gắng đến hết tháng 6/2023 sẽ có nước cung cấp cho người dân”.
Mặc dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã “ấn định” thời hạn chút và phía chủ đầu tư cũng cam kết hết tháng 6/2023 sẽ đưa Hệ thống nước phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, theo một doanh nhân chuyên xây dựng nhà máy nước sạch cho biết: Với khối lượng công việc như Hệ thống nước Nông Cống phải thực hiện thì đến hết tháng 6/2023 không thể nào đưa nhà máy nước sạch phục vụ nhân dân được. Bởi lẽ, khối lượng công việc phải làm còn rất nhiều như: xây dựng hồ chứa nước thô, trạm bơm nước, nhà máy vận hành, hệ thống đường ống cấp nước đến các hộ dân….
Có thể nói, Dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống kéo dài hơn 4 năm nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của hàng chục nghìn dân trong khu vực các huyện Nông Cống, Như Thanh và thị xã Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Mong muốn được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh của người dân nơi đây đến bao giờ mới trở thành hiện thực ?
Nếu đến hết tháng 6/2023 chủ đầu tư vẫn không thể đưa nhà máy nước sạch phục vụ nhân dân thì UBND tỉnh Thanh Hóa có cương quyết thu hồi dự án như đã chỉ đạo hay lại tiếp tục gia hạn ?!.