Dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 nhưng Thanh Hoá vẫn là một trong những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư tại khu vực miền Trung. Cụ thể, năm 2021, Thanh Hoá có 27 dự án đầu tư với tổng vốn từ 100 tỷ đồng trở lên. Trong đó, có một số dự án tổng vốn đầu tư đăng ký lớn như, dự án khu dân cư đô thị và trung tâm thương mại Sầm Sơn, TP. Sầm Sơn (3.046 tỷ đồng); Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I (2.824 tỷ đồng); khu dân cư hai bên đường CSEDP thuộc Khu đô thị Đông Sơn, TP. Thanh Hóa (871,4 tỷ đồng); các dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 2, Xuân Thiện 3, Xuân Thiện 6 tại huyện Ngọc Lặc (mỗi dự án 2.500 tỷ đồng...).
Năm 2021, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 112,66 triệu USD. Ngoài ra, có 2 nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp với tổng vốn góp là 11,03 triệu USD; thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án với số vốn tăng 11,06 triệu USD và giảm vốn cho 1 dự án với số vốn giảm 3,75 triệu USD.
Bên cạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đang có những nỗ lực cụ thể để nâng cao hiệu quả chất lượng xúc tiến đầu tư |
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nhằm giới thiệu, thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư trên địa bàn, đồng thời thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trong năm 2021, hoạt động xúc tiến đầu tư đã được lãnh đạo tỉnh thực hiện linh hoạt bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với đại sứ các nước để xúc tiến hợp tác một số dự án lớn như: Dự án tổ hợp chế biến thịt lợn tại Khu kinh tế Nghi Sơn của Tập đoàn AVG; Dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc quốc lộ 47; làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Ấn Độ, Ngân hàng Thế giới (WB) về Dự án đô thị động lực Tĩnh Gia; tiếp và làm việc với Tập đoàn Foxconn về Dự án Khu liên hợp công nghiệp chế tạo linh kiện điện tử công nghệ cao, Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam, Tập đoàn AVG, Tập đoàn WHA (Thái Lan),...
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch với Tổng cục Du lịch và Tổng công ty Viễn thông Mobifone, ký biên bản ghi nhớ về đầu tư dự án Trung tâm logistics Bắc Trung bộ và hạ tầng Khu công nghiệp số 6 tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ký biên bản ghi nhớ về đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall...
Được biết, bên cạnh nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đi đầu bằng việc cải thiện chất lượng điều hành, cải cách hành chính thông qua các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, PCI, DDCI, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng xúc tiến đầu tư.
Điển hình như trong năm 2021, tỉnh đã thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk) thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh. Japan Desk Thanh Hoa sẽ có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch từ Nhật Bản vào tỉnh Thanh Hóa và ngược lại.
Trong đó thực hiện nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản phù hợp với định hướng và quy hoạch của tỉnh; xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về đầu tư, thương mại, du lịch từ Nhật Bản vào tỉnh Thanh Hóa và ngược lại.
Đồng thời, xây dựng, biên tập cơ sở dữ liệu đầu tư, thương mại, du lịch và cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đến các đối tác Nhật Bản; tham mưu, tổ chức các cuộc tiếp xúc, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, chương trình làm việc của tỉnh với các cơ quan đại diện Nhật Bản...
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, song theo các chuyên gia, năm 2022, dự báo làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam, nhất là các tập đoàn đa quốc gia sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiềm chế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá - cơ quan thường trực tổ công tác đầu tư nước ngoài, sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi trực tiếp về việc triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ, giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng để thu hút thêm các dòng vốn đầu tư.