Chủ động sơ tán dân vùng trũng thấp, ứng phó với cơn bão số 1, bão TALIM Ứng phó với bão số 1, Thanh Hoá chủ động các phương án sơ tán dân |
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tỉnh này đã lên phương án để sơ tán 40.944 hộ/169.863 khẩu đang sinh sống ở khu vực ven biển, cửa sông khi có bão theo các mức độ: phạm vi cách bờ biển 200m; từ 200-500m; trên 500m vào các công sở, trường học, nhà văn hoá, trung tâm y tế... để tránh bão số 1.
Ban hành nhiều Công điện
Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 03 Công điện (số 01, 02 ngày 14/7/2023; số 08 ngày 16/7/2023) triển khai đến các cấp, các ngành, tập trung chỉ đạo: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu; đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ và trên các đảo.
Dự báo đường đi của bão số 1. |
Chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông; rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại; tổ chức trực ban nghiêm túc…
Giao Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các huyện, thị, thành phố ven biển thường xuyên thông báo kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 1 để chủ động phòng tránh; không đi vào vùng nguy hiểm. Các ngành, địa phương đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tổng số khách lưu trú tại các khu du lịch ven biển (trong đêm 16/7 và ngày 17, 18/7) khoảng 81.800 người. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Còn 473 phương tiện với 2.766 lao động đang trên biển
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến 4h hôm nay 17/7/2023, tỉnh Thanh Hóa có 6.513 phương tiện với 25.240 lao động. Trong đó, có 6.041 phương tiện/22.474 lao động đã vào neo đậu tại bến, hiện nay còn 473 phương tiện/2.766 lao động đang hoạt động trên biển.
Cụ thể, vùng biển Vịnh Bắc bộ 172 phương tiện/1.181 lao động; Quảng Bình 08 phương tiện/92 lao động; Thừa Thiên Huế 06 phương tiện/37 lao động; Phú Yên 04 phương tiện/32 lao động; Thanh Hoá 229 phương tiện/1.080 lao động; Vũng Tàu 1 phương tiện/8 lao động; Bình Thuận 05 phương tiện/49 lao động; Kiên Giang 4 phương tiện/45 lao động; Hà Tĩnh 5 phương tiện/25 lao động; Nghệ An 38 phương tiện/217 lao động.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, các phương tiện trên đều nắm được thông tin về bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình.
Sáng nay 17/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa tại hội nghị trực tuyến với 27 địa phương từ Bắc bộ đến Nghệ An để triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 1 |
Sáng nay 17/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 27 địa phương từ Bắc bộ đến Nghệ An và các bộ, ngành liên quan để triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 1 đang hướng về khu vực Bắc bộ. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các đơn vị liên quan.
Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 07 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15. Dự báo trong 24-72 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, với cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14. Từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Bắc bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm; khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa giông và nắng nóng kéo dài 10 ngày qua kết hợp mưa trong những ngày tới khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao. |