Nhiều bản ở huyện biên giới Mường Lát bị cô lập, sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân Thanh Hóa khởi công dự án thủy điện 420 tỷ đồng Cây sắn mang Tết đủ đầy, ấm no về Mường Lát |
Giá sắn 'chạm đáy'
Huyện biên giới Mường Lát được mệnh danh là 'thủ phủ sắn' của tỉnh Thanh Hóa, cây sắn tại địa phương này đã dần đổi thay cuộc sống vốn dĩ nghèo khó của bà con nơi đây. Vào những thời điểm vàng, nhiều nông dân đã thoát nghèo, có ‘của ăn của để’ nhờ cây sắn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, hiện diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện Mường Lát đạt hơn 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn. Với giá sắn lúc cao điểm toàn huyện có thể đạt trên 100 tỷ đồng.
![]() |
Người dân thu hoạch sắn trên địa bàn huyện Mường Lát |
Thế nhưng hiện nay, giá sắn đang được các thương lái thu mua với giá rất thấp, nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do ảnh hưởng chung của cơ chế thị trường dẫn đến đầu ra cho cây sắn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, trong số 3.000ha trồng sắn trên địa bàn huyện Mường Lát, chỉ khoảng 1.600ha là có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra, dẫn đến hàng tồn đọng nhiều chưa thể xuất khẩu được, dẫn đến niên vụ sắn 2024-2025 nguồn thu từ sắn ước tính chỉ đạt khoảng 60 tỷ đồng, giảm một nửa so với niên vụ năm 2023-2024.
“Do xuất khẩu tinh bột sắn sang các nước, cũng như thị trường Trung Quốc giảm mạnh nên giá bị giảm theo. Ngoài ra trong năm nay, diện tích sắn của các tỉnh phía Bắc cũng như khu vực miền Trung tăng lên dẫn đến giá sắn bị tụt sâu”, ông Trần Văn Thắng - Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát - chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
![]() |
Gặp khó khi tìm đầu ra, giá trị cây sắn đang bị giảm sâu |
Cũng theo ông Thắng, thời điểm giá sắn đạt đỉnh vào khoảng từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn, tuy nhiên hiện tại giá sắn mua tại địa bàn trung bình chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/tấn.
“Chúng tôi cũng nắm bắt thông tin từ một số thương lái khi đứng ra làm đầu mối thu mua cho các nhà máy; khi chở sắn vào đến nơi nhưng công ty không nhập ngay, bắt phải chờ 3, 4 ngày, dẫn đến ùn tắc và lượng tinh bột giảm đến 40% nên cũng rất vất vả”, ông Thắng cho biết.
Khó khăn tìm đầu ra
Nhiều người dân trên địa bàn huyện Mường Lát cũng cho biết, không chỉ giá rất thấp mà nhiều địa phương thương lái cũng chẳng còn mặn mà, đang tạm dừng thu mua sắn.
Buồn rầu chia sẻ với phóng viên, anh Sùng Seo Dình, Trưởng bản Muống, xã Mường Lý nói, cây sắn mất giá nhiều đã khiến bà con nơi đây rất lo lắng.
“Trên địa bàn bản tôi có khoảng hơn 40ha sắn, hiện đã thu hoạch được khoảng 60%; Riêng nhà tôi cũng mới thu hoạch được 13 tấn, còn lại khoảng 30 - 40 tấn chưa thu hoạch. Mặc dù giá thấp nhưng nhiều người lo ngại cũng chẳng có người mua, giá thấp chắc cũng phải bán”, Trưởng bản Muống cho biết thêm.
![]() |
Giá sắn 'chạm đáy' khiến nhiều nông dân lao đao |
Nguyên nhân chính dẫn đến giá sắn giảm mạnh được xác định do nhu cầu tiêu thụ từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong nước giảm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, nguồn cung lại tăng do nhiều hộ dân mở rộng diện tích trồng sắn, lại càng thêm áp lực tới giá bán và thị trường tiêu thụ. Đây cũng đang là trăn trở của chính quyền huyện Mường Lát.
“Việc điều tiết giá cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước khi vào mùa thu hoạch, huyện cũng đã làm việc doanh nghiệp, công ty tham gia thu mua sắn trên địa bàn để ổn định thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân nhưng họ cũng phải phụ thuộc vào nhu cầu thị trường xuất ra và tổng sản lượng trên toàn quốc”, ông Trần Văn Thắng chia sẻ.
Hiện tại, một số thương lái và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mường Lát như Nhà máy sắn Phúc Thịnh cũng đã ký kết với nhân dân để bao tiêu sản phẩm sắn. Thế nhưng do ảnh hưởng chung nên cũng khó khăn mặc dù rất muốn giải quyết. |