Hà Tĩnh: Đón hơn 6,69 triệu tấn hàng hóa qua cảng Sơn Dương Nghệ An: Điều chỉnh dự án đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò để thu hút đầu tư |
Những con số đầu tư ấn tượng
Những năm qua, cảng Nghi Sơn luôn được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, bố trí, thu hút các nguồn lực đầu tư; từng bước hoàn thiện hạ tầng, phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa, sản xuất, kinh doanh qua đó, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, đã có sự tác động vô cùng tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các nhà đầu tư, các tập đoàn và doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Theo thống kê, đến nay cơ bản các bến cảng Nam Nghi Sơn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 14 dự án khai thác hạ tầng cảng biển, tổng mức đầu tư đăng ký trên 25.000 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đưa Nghi Sơn trở thành cảng biển lớn. Ảnh: Minh Hiếu |
Trong đó, khu vực cảng tổng hợp gồm 21 bến cảng, đã có 12 bến hoàn thành đi vào khai thác kinh doanh, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 DWT, gồm: 2 bến cảng của Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, 3 bến cảng của Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương, 5 bến cảng của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, 1 bến cảng của Công ty TNHH Quang Trung, 1 bến cảng của Công ty Cổ phần Hóa chất GAMA Thanh Hóa.
Khu vực cảng chuyên dùng gồm 18 bến, đã có 12 bến hoàn thành và đang khai thác phục vụ các dự án lớn trong Khu kinh tế Nghi Sơn, gồm: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn 8 bến, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn 1 bến nhô; các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2 có 3 bến.
Khu cảng container gồm 10 bến cảng, đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn 4 bến và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Sơn 4 bến.
Ngoài ra, tại khu bến Bắc Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương hiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương dự án khu bến Bắc Nghi Sơn mở rộng với diện tích khoảng 557,197 ha, năng lực tiếp nhận hàng hóa khoảng 25 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 14.119 tỷ đồng.
Đối với khu neo đậu, chuyển tải tại cảng Nghi Sơn, 2 khu neo đậu, chuyển tải của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nghi Sơn đã đưa vào khai thác, có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải trên 80.000 DWT.
Bên cạnh đó, 1 bến phao nổi SPM của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 320.000 DWT phục vụ nhập dầu thô công suất 10 triệu tấn/năm. Tại Cảng Nghi Sơn đã có 4 điểm neo đậu chuyển tải phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải đến 210.000 DWT vào neo đậu, chuyển tải.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng các hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn, năm 2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn.
Theo đó, sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng/chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế; hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet qua cảng Nghi Sơn và mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp luồng hàng hải vào các bến khu vực Nam Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 567,6 tỷ đồng. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề xuất Dự án đầu tư nạo vét luồng tàu ra vào cảng Nghi Sơn đoạn từ phao số 0 đến đê Bắc, với tổng chiều dài 7km.
Khắc phục “yếu điểm” của cảng nước sâu Nghi Sơn
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, hệ thống cảng Nghi Sơn bước đầu đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng nhất là hàng chuyên dụng và hàng tổng hợp.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn |
Tuy nhiên, các bến container chưa được đầu tư hoàn thiện, cảng Nghi Sơn còn thiếu quỹ đất để phát triển trung tâm logistics để lưu giữ, bảo quản và lưu thông hàng hóa. Dẫn đến tình trạng các container hàng xuất khẩu qua cảng Nghi Sơn chưa có các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh như: Dệt may, da giày... Ngoài ra, các container nhập khẩu chủ yếu là container rỗng, chưa có sự giao dịch đa dạng về hàng hóa.
Nhằm khắc phục hạn chế trên, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương đôn đốc các nhà đầu tư khai thác cảng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các bến cảng container chuyên dụng, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống máy móc, thiết bị, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa.
Tập trung nạo vét luồng cảng đáp ứng luồng đủ tiêu chuẩn để các tàu có trọng tải lớn ra vào cảng dễ dàng, cũng như đầu tư, nâng cấp nhiều công trình khác trong cụm cảng.
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các đơn vị trực thuộc, các sở, ban, ngành nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư vào cảng như miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng điện, nước, thông tin...bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương.
Khắc phục được các “yếu điểm” trên, cảng Nghi Sơn sẽ đóng góp quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Sẽ là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về mục tiêu phát triển công nghiệp, trong đó có cụm cảng nước sâu Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021, của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.