Vì sao hai trường đại học ở tỉnh Thanh Hóa tạm dừng tuyển sinh ngành sư phạm 2023? Thanh Hóa: Giao 200 chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho 2 trường đại học |
Trong số hàng nghìn sinh viên của Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chưa được nhận tiền hỗ trợ học tập của học kỳ 2 (năm học 2022 – 2023) có em Hà Thị Trà My là sinh viên lớp giáo dục mầm non (K11D), Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Gia đình Trà My thuộc diện hộ cận nghèo ở xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Theo Nghị định 116 của Chính phủ, Trà My được hỗ trợ kinh phí học tập. Thế nhưng, từ khi nhập học (tháng 10/2022), đến hết tháng 12/2022, Trà My mới được nhận được 3 tháng tiền hỗ trợ (10,8 triệu đồng). Từ đó đến nay, Trà My chưa được nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào.
Cũng như Trà My, em Thao Thị Cú, lớp đại học giáo dục mầm non (K11C) là người dân tộc Mông, nhà ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nhập học tháng 10/2022, đến tháng 12/2022, em Cú cũng mới chỉ nhận được tiền 10,8 triệu đồng theo Nghị định 116.
Hàng nghìn sinh viên sư phạm của 2 trường đại học tại tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được tiền hỗ trợ học tập vì ngân sách của tỉnh chưa chuyển về trường |
Đối với sinh viên thuộc diện khó khăn đang theo học tại 2 trường Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thì việc được hỗ trợ kinh phí học tập, sinh hoạt theo Nghị định 116 là nguồn chủ yếu để các em trang trải cho việc học tập cũng như sinh hoạt hàng tháng. Việc chậm nhận được tiền hỗ trợ đã gây khó khăn cho việc theo học của các sinh viên và gia đình.
Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, việc các sinh viên sư phạm chưa nhận đủ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 116 là do đến thời điểm này, nhà trường chưa được tỉnh Thanh Hóa cấp tiền hỗ trợ học kỳ 2 (năm học 2022-2023) theo Nghị định 116 để cấp cho sinh viên.
Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức Bùi Văn Dũng cũng cho hay: "Nhà trường đã có thông báo cho tất cả sinh viên sư phạm thuộc diện hưởng theo Nghị định 116, là khi nào nhận được khoản tiền này, nhà trường sẽ chi trả cho các em".
Còn đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết, kinh phí để chi trả cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 đang gặp nhiều vướng mắc, vì nguồn kinh phí để chi trả rất lớn. Hiện tỉnh chưa cân đối được nguồn đảm bảo để thực hiện. Do đó, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị hỗ trợ phần kinh phí này.
Được biết, ngày 31/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, với tổng số kinh phí 87,281 tỷ đồng, để cấp bù cho 2.945 sinh viên sư phạm năm 2021 và năm 2022.