Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06 |
Sáng ngày 12/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị “Giới thiệu các nền tảng bản đồ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thanh Hóa cho biết: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Việc ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi các phương thức quản lý, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, rút ngắn thời gian công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; sức cạnh tranh của DN. Các ứng dụng này đã và đang được một số sở, ngành, địa phương, các DN nghiên cứu và triển khai, áp dụng các phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (Internet of Things), điện toán đám mây... để thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa các quy trình kinh doanh và quản lý DN.
Hội nghị lần này nhằm thông tin đến DN, các cơ quan, đơn vị về xu hướng chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các định hướng về chuyển đổi số DN nói chung và giới thiệu các nền tảng bản đồ số, ứng dụng công nghệ AI phục vụ chuyển đổi số nói riêng hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về chuyển đổi số, giúp DN nhỏ và vừa nắm bắt được những công nghệ mới, rút ra được những kinh nghiệm từ những bài học thực tế của các DN đã chuyển đổi số thành công; gắn chuyển đổi số với chuyển đổi xanh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Đại diện Công ty Tân Thanh Phương giới thiệu về ứng dụng nền tảng số VNMap trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đại diện Trung tâm dịch vụ hạ tầng Internet - GMO trình bày: Sự phát triển chóng mặt của AI (Trí tuệ nhân tạo) & giải pháp MiraBOT - AI Chatbot phục vụ trong chuyển đổi số; đại diện Công ty Cổ phần DXSOL GROUP giới thiệu: Hệ thống quản lý quy hoạch đô thị và địa chính...
Các đại biểu đã được Đại diện Công ty Tân Thanh Phương giới thiệu về ứng dụng nền tảng số VNMap trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. |
Theo đó, nền tảng bản đồ số, hệ thống quản lý quy hoạch đô thị và địa chính có thể ứng dụng trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai; hoạt động thương mại điện tử của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa quá trình hoạt động, là trợ lý ảo cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin giúp lãnh đạo ra quyết định, rút ngắn thời gian tham mưu thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người lao động. Các chuyên gia, diễn giả, khách mời đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, giải đáp các thắc mắc của các đại biểu tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Sở TT&TT Thanh Hóa, tính đến tháng 6 năm 2024, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hiện có trên 20.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 90% tổng số doanh nghiệp; Tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi số trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế đạt 29,65% tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2023; toàn tỉnh hiện có 5.550 doanh nghiệp được tham gia khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành chuyển đổi số, 337 doanh nghiệp công nghệ số theo quy định của Bộ TT&TT. Có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình chuyển đổi số, nền tảng số qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Hoạt động kinh tế số với nhiều giải pháp được triển khai như: Giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, đã có 54.620 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với hơn 342,78 triệu hóa đơn. Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức tập huấn, tư vấn sử dụng hợp đồng điện tử; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; đưa 429 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử.
Qua đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn bước vào giai đoạn chuyển đổi số, với trọng tâm là công tác số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số trên phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Đây là những nỗ lực và sự cố gắng không mệt mỏi với khát vọng thay đổi và vươn lên của chính các doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ hiệu quả của cả hệ thống chính trị.