Thanh Hóa đứng thứ 8 về thu hút đầu tư
Hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước
Những năm qua, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Đó cũng là lý do, tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa là một trong số ít các địa phương được rất nhiều nhà đầu tư trong và nước lựa chọn. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã thu hút được gần 14,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đứng thứ 8 trong số các tỉnh, thành của Việt Nam về thu hút vốn ngoại.
Thanh Hóa được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước |
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Thanh Hóa vẫn là điểm đến được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn. Cuối tháng 1/2021, Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên Bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.
Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Foxconn cũng có chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa nhằm khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử. Theo đó, Foxconn mong muốn, được đầu tư vào một khu công nghiệp tại địa phương với quy mô khoảng 150 ha để xây dựng các nhà máy sản xuất với tổng mức vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, sử dụng khoảng 100.000-150.000 lao động.
Trước đó, vào tháng 6/2020, Tập đoàn Milennium Energy (Hoa Kỳ) đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng có công suất lên đến 4.800 MW với quy mô lên tới 5 tỷ USD. Điều đáng nói, đây là dự án không khai thác tài nguyên của Việt Nam mà phía Tập đoàn cam kết sẽ tư cung ứng, nhập khẩu 100% nguyên liệu đầu vào từ các ước khác, do một tập đoàn đầu tư và một tổ chức tài chính lớn của Hoa Kỳ tài trợ vốn.
Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa cũng tạo được sức hút đặc biệt với các tập đoàn lớn trong nước, với những tên tuổi như: Vingroup, Sun Group, FLC… Trong đó, Tập đoàn Vingroup đã tiên phong mang cả hệ sinh thái gồm các thương hiệu hàng đầu Vinhomes, Vinpearl, Vinschool và tương lai là VinFast về đầu tư tại địa phương.
Theo đại diện tỉnh Thanh Hóa, các dự án đầu tư tại địa phương không chỉ làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, mà còn hứa hẹn đem đến sự thay đổi môi trường sống, thu nhập cho người dân địa phương trong tương lai không xa.
Ấn tượng với “2 đồng hành” và “3 cam kết”
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước. Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Thahh Hóa, kết quả trên có được nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, các cơ quan chức năng của địa phương luôn chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng, nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Đặc biệt, khi nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”. Trong đó, “2 đồng hành” là: Đồng hành cùng nhà đầu tư trong khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm đầu tư, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.
Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, địa phương sẽ chủ động thực hiện “3 cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; cam kết đầu tư hạ tầng giao thông điện nước, thông tin liên lạc đến tận chân hàng rào dự án; cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư của dự án.
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư hướng vào 5 trụ cột, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo đột phá cho cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho các nhà đầu tư hoạt động.
Để làm được điều đó, tỉnh cho biết sẽ kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần doanh nghiệp phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến quá trình sản xuất, kinh doanh. Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội để nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại địa phương.
Nhằm tạo sức hút cho nhà đầu tư, Thanh Hóa cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho nhà đầu tư. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp. |