Thanh Hóa: Vì sao dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đông Ninh chậm tiến độ? Thanh Hóa: Hủy chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp số 2 của Công ty GiZa Việt Nam |
Ngày 4/7/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ký Văn bản số 2815/QĐ-UBND về việc cho Công ty cổ phần đầu tư Cụm công nghiệp APG (Công ty APG) thuê đất tại xã Cẩm Yên và thị trấn Tân Phong (huyện Cẩm Thủy) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Sơn.
Công ty APG sẽ là chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Sơn. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, Công ty APG được thuê 49,88 ha đất tại xã Cẩm Yên và thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy (khu đất đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Sơn. Trong đó diện tích đất trên địa bàn thị trấn Phong Sơn là 39 ha, diện tích trên địa bàn xã Cẩm Yên là 10 ha.
Hình thức thuê đất: Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê. Thời hạn thuê đất là 50 năm tính từ ngày ký ban hành quyết định này.
Các đơn vị có liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế Thanh Hóa, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Cẩm Thủy,… thực hiện quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình.
Theo tiến độ của dự án, trong quý IV/2024 – quý IV/2025 sẽ khởi công và thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Sơn, từ quý I/2026 sẽ hoàn thành đi vào sử dụng, thu hút các dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Trước đó, ngày 8/7/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thành lập Cụm công nghiệp Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy với tổng diện tích khoảng 49,88 ha. Ngành nghề hoạt động chính là: Sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, chế biến gỗ; công nghiệp dệt may, giày da; chế biến nông lâm, thức ăn gia súc, gia cầm; chế biến thực phẩm; sản xuất năng lượng; ngành nghề dịch vụ, kho bãi và các ngành nghề khác có liên quan. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty APG với tổng mức đầu tư tạm tính 250 tỷ đồng.