Bộ Công Thương trao 1,5 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào lũ lụt tỉnh Yên Bái Thủ tướng: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng do bão số 3 |
Ngày 14/9, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý khẩn cấp sự cố này. Ông Lại Thế Nguyên yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Hà Trung và các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, đánh giá ngay hiện trạng tuyến đê Hà Bắc - Hà Giang; các dự án đầu tư đang được đề xuất và sự cố thấm dột tuyến đê Hà Bắc - Hà Giang, lập dự toán báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ cho chủ trương quyết định ưu tiên đầu tư kinh phí khắc phục khẩn cấp sự cố.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa Lại Thế Nguyên chỉ đạo xử lý khẩn cấp sự cố thấm dột đê sông Hoạt. Ảnh: Quốc Hương. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa yêu cầu huyện Hà Trung cho rà soát lại thủ tục pháp lý của tất cả công trình hiện hữu xung quanh tuyến đê để có hướng triển khai thực hiện; đồng thời ra quân làm thuỷ lợi nhằm khơi thông dòng chảy của tuyến sông.
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mực nước sông Hoạt trên địa bàn huyện Hà Trung tăng cao 3,5m so với bình thường, dẫn đến tuyến đê Hà Bắc - Hà Giang bị tràn và thấm dột 4 điểm qua đê với chiều dài 350m. Ngay sau khi phát hiện sự cố vào lúc 14 giờ ngày 12/9, xã Hà Bắc đã triển khai phương án “4 tại chỗ”, huy động các lực lượng chức năng và Nhân dân tích cực triển khai khắc phục sự cố.
Lực lượng chức năng huyện Hà Trung, Sư đoàn 390 đã tập kết hơn 250 khối đất và hơn 3 nghìn bao tải gia cố ngăn nước tràn và thấm dột qua đê. Ảnh Quốc Hương. |
Tiếp đó, ngày 13/9, Sư đoàn 390 - đơn vị kết nghĩa với địa phương đã huy động 200 cán bộ, chiến sỹ cùng với Nhân dân xã Hà Bắc khắc phục sự cố. Đồng thời huy động phương tiện tập kết hơn 250 khối đất và hơn 3 nghìn bao tải gia cố ngăn nước tràn và thấm dột qua đê. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng huyện Hà Trung đang theo dõi chặt chẽ hiện trạng tuyến đê; phòng ngừa phát sinh thêm các điểm thấm dột khác nhằm đảm bảo an toàn đê điều và hạn chế thấp nhất thiệt hại.