Hải quan Thanh Hóa "ghi điểm" với chiến công xuất sắc Giao thương Việt Nam - Lào: Điểm sáng từ kinh tế cửa khẩu |
Nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác
Cửa khẩu phụ Khẹo nằm tại bản Khẹo, xã biên giới Bát Mọt của huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa. Cửa khẩu phụ Khẹo tiếp giáp với bản Tha Lấu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước Lào. Hai bản nói riêng và cư dân vùng biên giới hai nước nói chung có nhiều điểm tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán. Từ bao đời nay đã coi nhau như người thân, anh em một nhà. Cùng với đó là hoạt động giao thương hàng hóa giữa người dân hai bên cửa khẩu luôn diễn ra tập nập.
Cửa khẩu phụ Khẹo, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) là nơi người dân 2 bên trao đổi, mua bán hàng hóa nhiều đời nay. |
Để phục vụ giao thương, phát triển kinh tế, tuyến đường đến cửa khẩu phụ Khẹo đã được nâng cấp, mở rộng, kết nối với tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và các tuyến đường huyết mạch khác nên rất thuận lợi cho phương tiện đi lại. Phía bên kia, tuyến đường nối cửa khẩu cũng đã được nước bạn Lào đầu tư rất quy mô, có thể đáp ứng mọi nhu cầu giao thương giữa hai nước.
Tuy nhiên, do đây mới là cửa khẩu phụ, chưa được nâng cấp lên cửa khẩu chính và còn vướng một số quy định khác nên các hoạt động thông qua cửa khẩu Khẹo vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Mặc dù vào tháng 10/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 3370/QĐ-UBND về việc công bố danh mục cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ Khẹo - Tha Lấu ở xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân thực hiện theo quy định của pháp luật. Hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước theo danh mục hàng hóa quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các quy định của Nhà nước có liên quan. Đây cũng là một trong các nút thắt quan trọng mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã tháo gỡ để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, tăng cường giao thương hàng hóa của người dân 2 tỉnh.
Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Khẹo làm thủ tục cho cư dân vùng biên giới. |
Ông Ngô Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Thanh Hóa cho biết: Đã có rất nhiều doanh nghiệp, các thương nhân trên địa bàn có nhu cầu xuất, nhập khẩu qua của khẩu phụ Khẹo, nhưng theo quy định hiện hành, chỉ hàng hóa được phép xuất, nhập khẩu còn phương tiện chưa được phép xuất cảnh, chưa được phép hoạt động liên vận dẫn đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.
“Ngoài ra, cửa khẩu phụ Khẹo vẫn chưa có trụ sở làm việc cho lực lượng Hải quan, cũng như trụ trở làm việc cho đoàn liên ngành. Do vậy, nếu phát sinh hoạt động xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu thì thì đơn vị sẽ cử một tổ công tác lên cửa khẩu để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, mặc dù trụ sở của Chi cục cách rất xa cửa khậu Khẹo (khoảng 145km - PV). Nếu được nâng cấp lên cửa khẩu chính, được cấp phép hoạt động liên vận và được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho đoàn liên ngành thì hoạt động xuất, nhập khẩu tại đây sẽ vô cùng thuận lợi” - ông Thành mong muốn.
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 6/2023 trở về trước, để tạo điều kiện cho cư dân vùng biên giới sang khu vực biên giới đối diện thì được sử dụng thẻ Căn cước công dân (đối với công dân vùng biên giới Việt Nam) và Giấy chứng nhận biên giới (đối với công dân biên giới Lào) và các giấy tờ khù hợp khác để xuất, nhập cảnh.
Cư dân vùng biên xếp hàng chờ làm thủ tục qua của khẩu phụ Khẹo. |
Tuy nhiên, so sánh với các quy định khác của pháp luật thì hiện nay cư dân khu vực biên giới khi làm thủ tục tại các cửa khẩu cần phải có Giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào. Trong khi đó, để cư dân vùng biên giới hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định cần nhiều thời gian; dẫn đến việc mua bán, trao đổi hàng hóa, xuất, nhập cảnh để thăm thân còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 30 Chương VIII, Nghị định thư số 72/2010/SLLBQP ngày 17/12/2010 về thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; cặp cửa khẩu phụ Khẹo – Thà Lấu không thuộc các cặp cửa khẩu được cấp phép hoạt động liên vận.
Chưa được phép hoạt động liên vận dẫn đến nhiều hạn chế trong giao thương, xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khậu phụ Kheo. |
Bên cạnh đó, tại thông tư số 37/2023/TT-BGTVT ngày 13/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý hoạt động đường bộ qua biên giới thì cặp cửa khẩu này cũng không nằm trong danh sách được quy định thực hiện hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam – Lào.
Do vậy, cửa khẩu phụ Khẹo chưa đủ cơ sở pháp lý để Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh cho phương tiện vận tải qua cửa khẩu. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để tham mưu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện cho phương tiện của 2 tỉnh được phép qua lại cửa khẩu phụ Khẹo.
Tuy nhiên, cũng tại điều 30 Chương VIII Nghị định thư số 72/2010/SLLBQP ngày 17/12/2010 có quy định: “Việc qua lại của người và phương tiện qua các cặp cửa khẩu phụ do hai tỉnh có chung biên giới thỏa thuận”. Đây cũng là một điểm mở trong Nghị định thư số 72/2010/SLLBQP kể trên.
Cần sớm nâng cấp cửa khẩu phụ Khẹo lên cửa khẩu chính để đẩy mạnh giao thương hàng hóa với nước bạn Lào. |
Đối với hoạt động thương mại, quy định tại khoản 1, Điều 54 Luật Quản lý thương mại năm 2017 quy định, hoạt động thương mại biên giới được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu khác và nơi mở ra cho qua lại biên giới được phép thực hiện hoạt động thương mại biên giới. Tuy nhiên, hiện nay cửa khẩu Khẹo vẫn chỉ là cửa khẩu phụ, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chưa quyết định, công bố theo thẩm quyền nên cửa khẩu này chưa được phép hoạt động thương mại, chỉ được phép mua bán, trao đổi hàng hóa.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Đại úy Đỗ Huy Thành, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Khẹo cho biết: “Nhu cầu thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân và thương nhân vùng biên nơi đây là rất lớn. Phía bên nước bạn Lào cũng có nhu cầu rất lớn muốn giao thương qua cửa khẩu phụ Khẹo, nhưng do vướng các thủ tục liên quan đến cửa khẩu phụ, liên vận nên việc giao thương còn nhiều hạn chế. Nếu hoàn thiện các thủ tục đang còn vướng mắc, nâng cấp cửa khẩu thì sẽ thúc đẩy giao thương buôn bán, giúp kinh tế người dân hai bên phát triển nhanh chóng”.
Hệ thống giao thông kết nối 2 bên cửa khẩu đều được đầu tư quy mô; phía bên nước bạn Lào đã xây dựng nhà hoạt động dành cho đoàn liên ngành, sẵn sàng phục vụ các hoạt động thương mại. |
Còn bà Lương Thị Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Bát Mọt chia sẻ: Việc giao thương hàng hóa giữa nhân dân hai nước Việt - Lào còn gặp nhiều khó khăn do bắt buộc phải có Giấy thông hành, người dân mong muốn có cơ chế thông thoáng hơn để hai bên biên giới qua lại giao lưu, thăm thân cũng như trao đổi mua bán, hàng hóa được thuận lợi hơn. Đồng thời việc nâng cấp cửa khẩu phụ Khẹo là hết sức cần thiết, qua đó sẽ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của hai bên biên giới nói chung và xã biên giới Bát Mọt nói riêng.
Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ Khẹo – Tha Lấu, Sở Công Thương cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, tham mưu để đề xuất thỏa thuận, ký văn bản thỏa thuận với tỉnh Hủa Phăn để phương tiện 2 bên được phép lưu thông qua cửa khẩu cũng như các thỏa thuận khác có lợi cho cả hai bên.
Theo Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Lào thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2023 thì cặp cửa Khẹo (Thanh Hóa) - Tha Lấu (Hủa Phăn) sẽ được nâng cấp từ cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính. |