Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải cho TP. Đà Nẵng |
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 160 năm ngày nhân dân Đà Nẵng cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược (1/9/1858 - 1|9/2018), và kỷ niệm 43 năm Ngày Đà Nẵng được giải phóng (29/3/1975 - 29/3/2018).
Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn dưới thời vua Gia Long nhà Nguyễn, trước được gọi là đồn Điện Hải. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay; và đến năm 1835, được đổi tên là thành Điện Hải. Thành được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu 3m. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác, và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn.
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đem 14 chiếc thuyền cùng hơn 2.500 binh sĩ đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc hai bờ sông Hàn góp phần đánh lui những cuộc tiến công của quân địch. Quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã chiến đấu kiên trường, mưu trí, ngăn quân giặc không cho tiến sâu vào đất liền. Cuộc chiến đấu của quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân địch, buộc chúng phải rút quân khỏi Đà Nẵng ngày 23/3/1860 sau một năm mới bị sa lầy và chịu nhiều tổn thất.
Thành Điện Hải là biểu tượng về lòng yêu nước và đức hi sinh của nhân dân Đà Nẵng trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc |
Trong bài diễn văn tại lễ đón, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ - tự hào nhấn mạnh: Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỷ 19 là một trong những trang sử vẻ vang không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả dân tộc. Là tâm điểm trong cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc phương Tây, thành Điện Hải vừa là chứng tích hùng hồn, vừa là biểu tượng về lòng yêu nước và đức hy sinh của nhân dân Đà Nẵng trong sự nghiệp chiến đấu bảo về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và của cả con người, thành Điện Hải đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng và bị xâm hại nặng nề, cả vùng đệm và vùng lõi yếu tố gốc của di tích.
Từ năm 2016 đến nay, TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích; khảo sát quy hoạch xây dựng ở khu vực này một quảng trường, trong đó thành Điện Hải được xác định là trung tâm.
Với những ý nghĩa lịch sử và văn hóa, ngày 25/12/2017, thành Điện Hải đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Trước lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích, thành phố đã tổ chức Hội thảo khoa học về giải pháp bảo tồn di tích thành Điện Hải (tháng 12/2017). Sắp tới, vào tháng 4/2018, Đà Nẵng sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp di tích quốc gia Nghĩa Trủng Khuê Trung, nơi an táng 1.500 hài cốt nghĩa sỹ và đồng bào hy sinh trong cuộc kháng chiến; trong năm 2018 cũng sẽ tổ chức nghiên cứu làm hồ sơ xếp hạng di tích nghĩa địa Pháp Y pha nho;…
Khởi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải |
Tại buổi lễ, TP. Đà Nẵng cũng đã khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 1 với tổng kinh phí 102,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 10/2018. Trong đó giải tỏa, đền bù nhà ở, vật kiến trúc (80 tỷ đồng), phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, hạ tầng cấp thoát nước, tạo cảnh quan chung quanh như khuôn viên, cây xanh, bãi đỗ xe (kinh phí 22,7 tỷ đồng).
Giai đoạn 2 của dự án sẽ được thực hiện trong năm 2019-2020, gồm các hạng mục bên trong thành (sau khi chuyển dời Bảo tàng Đà Nẵng). Ngành văn hóa và thể thao sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học tìm giải pháp tối ưu để thực hiện dự án giai đoạn này, đảm bảo đặc điểm, tính chất của một di tích cấp quốc gia đặc biệt. Sau khi dự án hoàn thành sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho việc tìm hiểu lịch sử, giáo dục, phát huy truyền thống, phục vụ tốt khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế.