Kỹ thuật đánh dấu đã được ứng dụng trên nhiều công trình thủy điện |
Tiến sĩ Trần Chí Thành - Viện trưởng Vinatom - cho biết, trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử của Vinatom đã phát triển thành công trên nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu cơ bản, công nghệ bức xạ, y học hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, tài nguyên và môi trường...
Điển hình, viện đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc sản xuất và cung cấp đồng vị, dược chất phóng xạ nhờ có lò phản ứng nghiên cứu và máy gia tốc. Kỹ thuật sản xuất đồng vị phóng xạ bằng máy phát 99mTc dùng ôxít molybden chiếu xạ trên lò phản ứng do Viện Nghiên cứu hạt nhân tạo ra đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá cao và đã chuyển giao cho một số nước trong khu vực sử dụng. Năm 2015, viện đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn cho 4 sáng chế về các chế phẩm dược chất phóng xạ mới dùng để chụp hình chẩn đoán bệnh viêm tủy xương và điều trị bệnh ung thư, đồng thời đưa vào hoạt động máy gia tốc Cyclotron Kotrons 13 MeV sản xuất dược chất phóng xạ 18FDG. Nhờ đó mà nhiều khoa y học hạt nhân đã được thành lập, đến nay có trên 25 khoa y học hạt nhân sử dụng sản phẩm của viện.
Bên cạnh đó, viện đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp kiểm tra không phá hủy (NDT) để kiểm tra chất lượng cọc nhồi các trụ cầu, độ chặt nền đường, nền móng nhà xưởng, chất lượng mối hàn, đường ống, bình chứa, nồi hơi của nhiều công trình lớn của quốc gia; thực hiện nghiên cứu bảo dưỡng sửa chữa các hệ thống điều khiển hạt nhân tự động (NCS), cũng như thiết kế chế tạo các hệ thống NCS phục vụ nhu cầu của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nước ta.
Đặc biệt, viện đã thành công trong ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ để nghiên cứu sa bồi cảng Hải Phòng, bồi lấp hồ Thủy điện Trị An, Thác Mơ; nghiên cứu quá trình thấm qua đập ngăn nước tại đập Thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận. Đồng thời, ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị để nghiên cứu bài toán tối ưu trong khai thác nhằm tăng cường hiệu suất thu hồi dầu, đánh giá lượng dầu dư bão hòa trong các giếng khoan; tối ưu quy trình khai thác để nâng cao hiệu suất thu hồi dầu và giải quyết một số vấn đề kỹ thuật trong thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Viện đã thắng thầu quốc tế trong dịch vụ kỹ thuật đánh dấu phóng xạ cho ngành công nghiệp dầu khí của nước Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Phát triển hệ thiết bị chụp ảnh bức xạ trong công nghiệp bằng kỹ thuật số và được IAEA đặt hàng để cung cấp cho 6 nước trong khu vực để phục vụ huấn luyện và đào tạo cán bộ.
Viện còn là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ bức xạ ở Việt Nam. Đội ngũ cán bộ của viện đã làm chủ các quy trình nghiên cứu ứng dụng về công nghệ bức xạ và là đơn vị đi tiên phong trong nước về việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Trần Chí Thành - Viện trưởng Vinatom: Trong giai đoạn 2016 - 2020, phát triển Vinatom thành một cơ quan nghiên cứu và triển khai đầu ngành của quốc gia về năng lượng nguyên tử và phấn đấu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. |