Lãnh đạo Than Quang Hanh đón nhận Bằng khen của TKV và Bức trướng của Công đoàn TKV trao tặng nhân 15 năm thành lập |
Phát triển vốn sở hữu tăng hơn 14 lần
Công ty Than Quang Hanh - TKV tiền thân là Công ty Than Bái Tử Long được thành lập từ ngày 1/5/2003 trên cơ sở chuyển đổi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh từ Công ty Địa chất & Khai thác khoáng sản sang làm than. Thời gian đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, bởi phải tổ chức lại khai thác mỏ và tiếp nhận một vùng tài nguyên đã bị khai thác tự do không theo quy hoạch có nguy cơ cao về bục nước, bục khí, mất an toàn, tài nguyên phân tán, chất lượng than xấu, cơ sở vật chất kỹ thuật hầu như không được đầu tư, giao thông đi lại gặp rất nhiều trở ngại.
Trước những khó khăn “bao vây” như vậy, được sự quan tâm giúp đỡ của TKV và sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, công ty đã vượt qua khó khăn, phát triển không ngừng bằng nhiều giải pháp hữu hiệu.
Ví như, từ tháng 9/2004, giải thể cơ chế quản lý điều hành SXKD hai cấp về một cấp, bàn giao khai trường: Mỏ Đông Bắc Mông Dương về Công ty Than Mông Dương, đóng cửa khai thác mỏ than Kế Bào, giải thể các XN phụ trợ thành các phân xưởng trực thuộc. Công ty chỉ tập trung đầu tư tổ chức khai thác tại mỏ Ngã Hai, tiến hành lập dự án đầu tư khai thác mỏ Ngã Hai bài bản xứng ngang tầm với các mỏ trong vùng.
Để ổn định sản xuất và phát triển bền vững, trong nhiều năm qua, công ty đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng đề án khai thác mỏ, quy hoạch lại các diện sản xuất cũ trước đây, lập và triển khai các dự án mỏ mức -50 với công suất 700.000 tấn/năm. Hiện Than Quang Hanh đang thực hiện dự án mỏ khai thác xuống sâu dưới mức -50 với công suất 1,5 triệu tấn/năm. Dự án mỏ đồng bộ với các dây chuyền công nghệ đào lò, khai thác, thông gió, vận tải, thoát nước đáp ứng yêu cầu cung cấp than ổn định cho tập đoàn và nhà nước trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công ty Than Quang Hanh (thứ hai từ trái) cùng thợ lò |
Trong công tác đào lò, các thiết bị đào lò hiện đại như máy combain AM-50Z của Ba Lan, máy khoan tam rốc của Thụy Điển, máy xúc các loại đã được đưa vào áp dụng hơn chục năm nay. Công nghệ chống lò bằng vì chống neo các loại như neo dẻo, neo bê tông, neo cáp… được áp dụng rộng rãi đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao.
Dấu ấn trong 15 năm, công ty được TKV giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án Nhà máy sàng tuyển Lép Mỹ. Dự án đã hoàn thành sớm, hiện đang quản lý vận hành hệ thống sàng tuyển toàn bộ nguồn than của Công ty Than Quang Hanh và Công ty Than Dương Huy với công suất hiện nay đang khoảng 3,3 triệu tấn/năm. Sắp tới, các mỏ sản xuất than đạt công suất thiết kế, sản lượng sàng tuyển dự án Lép Mỹ sẽ đạt công suất 4 triệu tấn/năm, mang lại hiệu quả cao cho công ty và tập đoàn.
Đáng chú ý, sản lượng than khai thác và tiêu thụ của Than Quang Hanh từ năm 2003 đến năm 2017 đều tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhiều năm sản lượng than nguyên khai tăng 30-50%. Doanh thu hàng năm cũng đều có sự tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 30%/năm. Công ty thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ với nhà nước.
“Đặc biệt bảo toàn và phát triển được vốn chủ sở hữu tăng 14, 15 lần so với năm 2003. Từ năm 2010-2017 lợi nhuận trước thuế có sự tăng trưởng cao, thu nhập của người lao động tăng hàng năm bình quân 5%” - Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc công ty cho biết.
Cán bộ “giàu” bản lĩnh, thợ lò bậc cao tăng nhanh
Một trong những bước tiến đáng tự hào của Than Quang Hanh trong 15 năm là chất lượng, trình độ, tay nghề, kinh nghiệm lao động của công nhân lao động, đặc biệt thợ lò bậc cao tăng nhiều. Năm 2009 với số lượng công nhân khai thác hầm lò là 1.426 thợ lò, trong đó có 216 thợ lò bậc 5/6 và thợ lò bậc 6/6 chỉ có 59 người. Cán bộ công nhân viên có trình độ trên đại học: 01 người; đại học: 240 người; cao đẳng: 132 người; trung cấp 166 người.
Đến năm 2018, số lượng công nhân khai thác hầm lò là 1.403 người, trong đó: 356 thợ lò bậc 5/6 và 295 người thợ lò bậc 6/6. Cán bộ công nhân viên có trình độ trên đại học: 6 người; đại học: 601 người; cao đẳng: 140 người; trung cấp: 345 người. Các phòng ban, phân xưởng được tổ chức sắp xếp lại theo đúng mô hình mẫu của TKV.
Thợ lò Than Quang Hanh xuống lò sản xuất than |
Trong những năm qua, công ty đã đặc biệt coi trọng công tác đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ công nhân kỹ thuật, tuyển dụng nhiều kỹ sư công nghệ, công nhân có tay nghề kỹ thuật cao, vì vậy đã tự đảm nhận được từ khâu đào lò chuẩn bị sản xuất đến công nghệ khai thác và sàng tuyển than đã đáp ứng cho mục tiêu "An toàn - Đổi mới - Phát triển".
“Sự cố gắng nỗ lực của CBCNV Than Quang Hanh rất lớn, từ xuất phát ban đầu rất manh mún, sơ khai, đến nay Quang Hanh là mỏ có sản lượng cao, đặc biệt đội ngũ cán bộ Than Quang Hanh rất trẻ, giàu bản lĩnh. Quang Hanh không những đào tạo cán bộ đảm nhiệm tại chỗ, còn cung cấp nguồn cán bộ cho ngành than, những cán bộ từ Than Quang Hanh điều sang làm nhiệm vụ tại đơn vị khác đều phát triển tốt” - Chủ tịch HĐTV TKV- Lê Minh Chuẩn đánh giá.
Ông Lê Minh Chuẩn cho biết, TKV đang đứng trước nhiều cơ hội lớn từ thị trường nhu cầu than đang mở ra, nhưng thách thức cũng rất lớn, nhất là thực hiện Đề án 2006 của Chính phủ về tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2017-2020.
Theo đề án này, năm 2020, công ty mẹ TKV phải chuyển sang mô hình cổ phần hóa và Công ty Than Quang Hanh là chi nhánh của “mẹ” cũng phải thực hiện cổ phần hóa.
Để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, ông Lê Minh Chuẩn đề nghị Than Quang Hanh quan tâm thực hiện những giải pháp, biện pháp mà TKV yêu cầu đối với các đơn vị thành viên. Trong đó, tiếp tục tập trung đầu tư cơ giới hóa, quản trị doanh nghiệp, quản trị chi phí, phát triển nguồn nhân lực, môi trường làm việc…
Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn: “Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu không có nhiều thách thức, nhưng với sức trẻ 15 tuổi, với đội ngũ cán bộ giàu bản lĩnh và chiều sâu kinh nghiệm, tôi tin rằng Than Quang Hanh cùng với TKV thực hiện thành công nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, cũng như nhiệm vụ tái cơ cấu, để TKV xứng đáng là tập đoàn kinh tế nhà nước và giữ được vai trò trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”. |
TIN LIÊN QUAN | |