Giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử |
Trưng bày được chia thành 4 nội dung: Theo dấu chân Người, Từ trong tù ngục, Chân trần chí thép và Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
“Theo dấu chân Người” là nội dung mở đầu của trưng bày. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Người được thể hiện bằng hành động và lời nói giản dị hàng ngày: trong từng bữa ăn với cán bộ, chiến sỹ; những chuyến công tác băng rừng, vượt suối; trong mỗi chặng đường chiến đấu, mỗi bước xây dựng, trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Nam đều có sự chỉ đạo, động viên, chăm sóc ân cần, trìu mến của Người.
Trong nội dung thứ hai “Từ trong tù ngục”, “chất thép” của những chiến sỹ cách mạng kiên cường bừng sáng. Họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Khám Lớn, Lao Thừa Phủ… chính là những “trường học đặc biệt”, giúp họ trưởng thành và trở thành những nhà cách mạng kiên trung, có tầm nhìn chiến lược, biết nắm vững, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, một lòng đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
“Chân trần chí thép” là nội dung thứ ba, giới thiệu những “Vị tướng trong lòng dân” như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái… Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc, những người con ưu tú với “chân trần” đã bước vào cuộc chiến với kẻ thù bằng “chí thép”. “Chí thép” ấy đã kết tinh và bùng cháy thành sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách, để cuối cùng, giành lại độc lập, hạnh phúc cho nhân dân. Nhắc đến họ là nhắc tới những chiến công vang dội mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975).
“Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam” là nội dung cuối của trưng bày, thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam: kiên cường chiến đấu để lập nên những chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những chiến công ấy được tạc vào lịch sử và những giây phút xúc động sẽ không phai mờ trong tâm trí của người dân đất Việt:
Bên cạnh phần nội dung được biên tập công phu, những giải pháp trưng bày mới mang lại sự lôi cuốn, hấp dẫn cho người xem. Với các tông màu: xanh rêu, ghi đá, xám gợi cảm giác nhuốm màu thời gian, như những thước phim tư liệu được quay chậm lại, gợi cảm giác xưa cũ. Cùng với gam màu đỏ, màu của lá cờ Tổ quốc, tượng trưng cho sức mạnh, ý chí để vượt qua mọi gian nan, thử thách, quyết tâm bảo vệ, xây dựng đất nước.
Đặc biệt có hai tổ hợp là điểm nhấn trong trưng bày: Tổ hợp “Mốc son Điên Biên Phủ - 1954” và tổ hợp “Sử vàng đại thắng - 1975”. Qua hai tổ hợp, những người lính Điện Biên Phủ, những người lính vượt Trường Sơn sẽ gặp lại hình ảnh của mình trên chặng đường hành quân ra trận; được ngắm nhìn những vật dụng quen thuộc như: võng, ba lô, mũ cối, bi đông... Thế hệ người Việt Nam hôm nay sẽ hiểu sâu sắc hơn những gian khổ, hy sinh nhưng vẫn đầy tinh thần lạc quan của cha, anh đi trước.
Tại buổi khai mạc, đại biểu và khách tham quan được gặp lại thân nhân của các vị tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình,… Tại lễ khai mạc triển lãm cũng đã diễn ra trao tặng hiện vật cho Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh, ký biên bản ghi nhớ về công tác giáo dục và tuyên truyền giữa Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò với Trung đoàn 375, Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
Với hơn 250 hình ảnh, hiện trưng bày, những câu chuyện thời chiến càng thêm chi tiết, sống động. Đây là dịp để người dân Việt Nam được sống lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc. Trưng bày chuyên đề "Chân trần chí thép" sẽ mở cửa đến ngày 15/6/2018.