Nâng tỉ lệ nội địa hoá ngành công nghiệp: “Mở khóa” cơ hội vào chuỗi cung ứng Xung đột tại Bangladesh có làm chuyển hướng chuỗi cung ứng dệt may? |
Cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Chia sẻ tại một sự kiện liên quan đến chuỗi cung ứng mới đây, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: KL) |
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Việt, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn quan tâm và đang chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực về thu hút đầu tư, điều này không chỉ khẳng định môi trường kinh doanh có nhiều điểm tương đối hấp dẫn mà Việt Nam được lựa chọn trở thành địa chỉ mới trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của các quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
“Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tuy chưa đầu tư trực tiếp nhưng đã hướng đến khu vực sản xuất của Việt Nam để đặt hàng cung ứng nguyên liệu, thiết bị đầu vào cho sản xuất, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ cao có uy tín toàn cầu như Apple, Amazon...” – TS Nguyễn Quốc Việt thông tin.
Cũng chia sẻ về những cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hà Gia Kế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam) cho biết: Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn điện tử nằm trong Top 500 của thế giới đến đầu tư, những tập đoàn trong Top 500 này rất cần những sản phẩm linh, phụ kiện để đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm điện tử. Và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sang Việt Nam để tìm cơ hội đáp ứng yêu cầu này, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam.
Còn theo bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA): Việt nam đã thành công trong thu hút FDI và hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu bởi 4 yếu tố, bao gồm: Khung pháp lý và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển ngành công nghiệp điện tử; nguồn lao đônhj và tiền lương; tác động của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; xu hướng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của dịch Covid-19.
Trong cuộc đua tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, so với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội hạn chế về nhiều yếu tố (Ảnh: KL) |
Doanh nghiệp nội cần bắt kịp xu thế chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, việc tham gia vào chuỗi cung ứng là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng, mở rộng và phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và khai thác tốt hơn lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng theo hướng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Mặc dù có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn cho rằng, trong “cuộc đua” này, doanh nghiệp FDI có nhiều ưu thế hơn. Bởi so với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội hạn chế về nhiều yếu tố như vốn, kinh nghiệm và cả mối quan hệ với những tập đoàn toàn cầu. Trong khi đó, để tham gia được vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn lớn, yêu cầu về thời gian giao hàng, về công nghệ...
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, dù có nhiều cơ hội, nhưng doanh nghiệp còn gặp không ít thách thức. Chúng ta có lợi thế về nguồn nhân lực nhưng chủ yếu bị hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chưa kể, cơ sở vật chất của các doanh nghiệp nội địa cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn điện tử toàn cầu, bao gồm nhà xưởng, kho hàng, thiết bị máy móc, công nghệ cao và phương tiện vận chuyển. Một số doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn với các tiêu chuẩn về xử lý chất thải môi trường, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ không thể đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải hiện đại.
Theo đó, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, theo TS Nguyễn Quốc Việt: Việt Nam cần đổi mới để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi hiệu quả hơn; nguồn lực cần đủ “ra tấm ra món” để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng các điều kiện của nhà sản xuất lớn thì mới có thể tham gia chuỗi cung ứng…
Bà Đỗ Thị Thuý Hương cũng đưa ra một số lưu ý cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để có thể bứt phá trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, cần bắt kịp xu thế chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn từ đòi hỏi của người tiêu dùng và cam kết quốc tế cũng như những chính sách của nhiều nước phát triển về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ESG, dịch chuyển chuỗi cung ứng. Cùng với đó, doanh nghiệp cần vượt khó bằng cách cắt giảm chi phí; chuyển đổi mô hình kinh doanh; chuyển đổi sản phẩm; linh hoạt với thị trường, đối tác; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và tận dụng mọi chính sách hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức hiệp hội, ngành hành.