Nâng mức đầu tư lớn
Nhờ vào việc nhà đầu tư Hàn Quốc nâng mức đầu tư tại Dự án Samsung Electro-Mechanics ở Khu công nghiệp Yên Bình đã nâng tổng số vốn FDI 2 tháng đầu năm nay của tỉnh Thái Nguyên đạt 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước.
Nhà đầu tư Hàn Quốc nâng mức đầu tư tại Dự án Samsung Electro-Mechanics (Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên) |
Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam có tổng vốn đầu tư 30.797,246 tỷ đồng, tương đương 1,35 tỷ USD, với mục tiêu sản xuất và lắp ráp bản mạch in kết nối mật độ cao HDI, linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, sản phẩm điện và điện tử khác; xây dựng, vận hành các khu nhà, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết khác cho chuyên gia và công nhân của công ty. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 2/2015. Đến tháng 12/2021, Công ty SEMV nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên 51.957,246 tỷ đồng, tương đương 2,27 tỷ USD (tăng thêm 920 triệu USD)...
Được biết, đây không phải lần đầu tiên tại Thái Nguyên có dự án xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Trong năm 2021, địa phương này đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn trên 1 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn lên 170, với tổng vốn đã đăng ký trên 9,67 tỷ USD; 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 6.377 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư trong nước lên trên 800, số vốn đăng ký trên 143 nghìn tỷ đồng...
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư
Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó, lấy trọng tâm là hạ tầng về giao thông, khu, cụm công nghiệp, điện, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành các thủ tục để mở rộng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Không chỉ vậy, tỉnh còn thực hiện nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư và tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư.
Theo bà Trần Thị Thu Thủy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Danko - một trong những nhà đầu tư lớn đang triển khai dự án tại Thái Nguyên: Qua nhiều năm gắn bó với Thái Nguyên, tập đoàn hài lòng với môi trường đầu tư của tỉnh, bởi tính minh bạch và sự thân thiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như từng sở, ngành của tỉnh đều quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp... Đây chính là yếu tố quan trọng để tập đoàn muốn tiếp tục gắn bó, triển khai thêm một số dự án trên địa bàn tỉnh, ngoài 2 dự án mà Tập đoàn sắp hoàn thành, đó là Dự án Danko City (TP. Thái Nguyên) và Dự án Danko Avenue (TP. Sông Công).
Mục tiêu tỉnh Thái Nguyên đặt ra trong năm 2022 là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Để hoàn thành được mục tiêu này, một trong những giải pháp mà tỉnh sẽ tập trung thực hiện đó là tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư. |