Thứ sáu 16/05/2025 22:20

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 10.477 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, là phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 700 doanh nghiệp công nghệ số, kinh tế số, đóng góp 20% vào GRDP của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu này, các sở, ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số. Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu trực tiếp thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, Sở Thông tin và Truyền thông đã hợp tác với nhiều đơn vị để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp tại Thái Nguyên được đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh: Chí Tâm

Ông Đỗ Xuân Hòa - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên thông tin: Sở đã hợp tác với Công ty CP MISA triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, 2 năm qua có 4 hội thảo được tổ chức về giải pháp chuyển đổi số; 47 khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số thông qua các hội nghị trực tuyến và trực tiếp cho 1.728 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã.

Tổ hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp của Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Hiệp hội doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, tư vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn các nền tảng số trong chương trình SMEdx để trải nghiệm và thực hiện chuyển đổi số.

Cùng với đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho 546 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số: Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; phần mềm kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa; phần mềm hóa đơn điện tử; dịch vụ chữ ký số; phần mềm quản lý nhà hàng; phần mềm quản lý cửa hàng, cửa hiệu, với hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm. Các khóa đào tạo, chương trình tập huấn, thiết kế hệ thống mạng LAN, phương thức kết nối Internet đều thực hiện miễn phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động hướng dẫn, đăng ký sử dụng tên miền quốc gia ".vn". Tham gia chương trình, các doanh nghiệp đã được tư vấn, giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ số gắn với tên miền ".vn" trong hoạt động điều hành, quản lý, kinh doanh… của doanh nghiệp.

Qua đó giúp doanh nghiệp đẩy mạnh việc đăng ký và sử dụng hiệu quả, đảm bảo an toàn tài nguyên Internet, tên miền quốc gia ".vn"; tiếp cận, ứng dụng miễn phí các nền tảng, giải pháp công nghệ số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Đỗ Xuân Hòa, thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai tốt các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, thuế, khoa học - công nghệ.

Cụ thể, tỉnh đã xây dựng 5 đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia gồm: Đề án hệ thống hỗ trợ quản lý hoạt động cụm công nghiệp trực tuyến tỉnh Thái Nguyên; quảng bá chỉ số phát triển thương mại điện tử cấp huyện; phần mềm khảo sát mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xúc tiến bán hàng trực tuyến bằng giải pháp tiếp thị đa kênh (omichanel-maketing) 11 bộ giải pháp và Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các bộ giải pháp hoàn tất đơn hàng.

Sở Công Thương - đơn vị quản lý Sàn thương mại điện tử tỉnh, đã đưa các sản phẩm nông nghiệp của huyện Phú Lương lên sàn voso.vn; postmart.vn; thainguyentrade.vn để quảng bá và bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng đề án "Chợ trực tuyến Thái Nguyên" nhằm tạo thị trường mở trên mạng thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh trong việc xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các sở, ban, ngành, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Hiện có hơn 2.700 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

Về hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tỉnh đã hỗ trợ 1.412.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản với tổng kinh phí là 706 triệu đồng. Các doanh nghiệp đã vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp.

Hiện nay, doanh số thương mại điện tử tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến của tỉnh chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… ngày càng được mở rộng; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt gần 30%.

Thái Nguyên hiện có 324 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin và trên 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các nền tảng số.

"Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp, định hướng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế số", Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Thảo Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: Chuyển đổi số

Tin cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Kết nối doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư tại Lào

Đắk Lắk có tân Phó Giám đốc Sở Công Thương

Đà Nẵng: Giảm phát thải nhà kính hiệu quả, hướng đến NetZero

Biên Hòa 1: Từ khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam đến khu đô thị hiện đại

Hà Nội vận động hộ kinh doanh nhà cao tầng mở lối thoát nạn thứ 2

PC Thanh Hóa: Mỗi học sinh là một hạt giống tuyên truyền về công tác an toàn điện

Phú Thọ bố trí chỗ ở cho hơn 4.000 cán bộ sau sáp nhập tỉnh

Bà Rịa - Vũng Tàu: Liên kết ‘3 nhà’ trong tiêu thụ hàng hóa

Sóc Trăng: Ông Nguyễn Ngọc Hiển làm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường

Cần Thơ hướng dẫn bố trí nhân sự sau sáp nhập xã, phường

Lào Cai ban hành công điện hoả tốc ứng phó với mưa lũ

Đắk Lắk: Dự kiến hơn 1.000 người nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc

Sáp nhập Khánh Hòa, Ninh Thuận: Cơ hội 'vàng' bứt phá kinh tế

Kiểm toán các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên

Ông Thái Bảo giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khởi công dự án du lịch 1 tỷ USD

Lào Cai: Sạt lở đất trong đêm vùi lấp nhà dân tại Sa Pa

Chuyển đổi số tại Nghệ An: 'AI thực chiến, bí quyết thành công'

Quảng Bình: Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng

Nghệ An: Khai mạc Hội chợ kết nối sản phẩm ba miền